Trong năm 2024, các chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm gia tăng lãi suất, đối mặt trực tiếp với khả năng duy trì sự hấp dẫn vốn FDI và khả năng ốn định tỷ giá trong nước. Tỷ giá đô la Mỹ (USD) duy trì ở mức cao đã tác động đến chi phí nhập khẩu, đặc biệt là các nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
Báo cáo vừa phát hành của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dẫn dữ liệu tổng hợp từ 27 ngân hàng niêm yết cho biết, lãi suất cho vay trung bình đã giảm khoảng 2,7 điểm % từ mức đỉnh của quý I/2023. Theo đó, lãi suất cho vay trong quý III/2024 đã xác lập mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Việc lãi suất huy động điều chỉnh tăng trở lại từ quý II/2024 sẽ có độ trễ 3 - 6 tháng để phản ánh vào lãi suất cho vay. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến tiếp tục đi ngang đến hết năm 2024. Tuy nhiên, năm 2025 dự báo sẽ tăng 0,5 - 0,7 điểm % trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, đồng USD có thể trải qua giai đoạn suy yếu vào đầu năm 2025. Lý do là việc cắt giảm lãi suất gần đây của Fed được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các loại tiền tệ châu Á, trong đó có VND. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự kiến đã gia tăng áp lực cho thị trường ngoại hối châu Á.
Tháng 12, tỷ giá USD/VND dù hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng UOB cho rằng, dù có nền tảng vững chắc nhưng VND vẫn bị “kìm kẹp” bởi các yếu tố bên ngoài như đồng USD hồi phục khi thị trường định giá lại với kịch bản Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Donald Trump.
Tỷ giá USD/VND nhiều khả năng vẫn sẽ chịu áp lực lớn trong năm 2025 không chỉ đến từ những yếu tố bên ngoài mà cả từ những yếu tố bên trong do chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục phải nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhiều ý kiến lo ngại, trong một số thời điểm, lãi suất có thể tăng để “cứu” tỷ giá.
Hiện, tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng lên mức 25.740 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm niêm yết tại 24.259 VND/USD, tăng lần lượt 4% và 1,7% so với đầu năm 2024.
Giới phân tích nhận định áp lực lên tỷ giá sẽ giảm trong thời gian tới nhờ vào các biện pháp can thiệp của NHNN. Tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra ở mức độ khiêm tốn, vì các chính sách được tân Tổng thống Mỹ đề xuất sẽ giúp đồng USD giữ đà tăng giá và khiến gia tăng áp lực lên tỷ giá hối đoái.
Bước sang năm 2025, tình hình dự báo sẽ khả quan hơn. Giới chuyên gia cho rằng, tỷ giá USD/VND trong năm 2025 sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tốc độ hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, chính sách của FED, mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột địa chính trị… Đặc biệt, "ẩn số" chính sách thuế quan của ông Donald Trump có thể làm tăng giá trị đồng USD và gây áp lực lên tỷ giá.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tiếp tục đầu tư vào việc tăng cường dự trữ ngoại hối, tạo "vỏ bênh" để đối phó với các cú sốc bất ngờ. Ngoài ra, môi trường đầu tư trong nước đang được cải thiện, các quy định về thuế và đầu tư đang được điều chỉnh để khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Những biện pháp chiến lược này có khả năng tăng sự tin cậy cho nhà đầu tư quốc tế, đồng thời giúp tỷ giá VND duy trì sự ốn định. Thực tế cho thấy, một tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt nhưng vẫn duy trì trong khung biên an toàn có thể tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, trong khi bảo vệ sự bình ốn xã hội.
Tiến Hoàng