Bắc Kạn: Huyện Chợ Mới xuất sản phẩm chè bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

Từ lâu cây chè đã là nguồn thu nhập chính của người dân ở nhiều tỉnh trung du miền núi phía bắc. Cây chè trung du được trồng nhiều ở các huyện Chợ Mới và Chợ Đồn. Tại huyện Chợ Mới, do xác định được giá trị, lợi thế của cây chè trong phát triển kinh tế ở huyện, chính quyền địa phương đã có quy hoạch, định hướng và chủ trương đưa cây chè trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân xoá đói giảm nghèo.

Đời sống của người dân xã Yên Cư (Chợ Mới, Bắc Kạn) đã từng bước được nâng cao nhờ sản xuất chè Shan tuyết theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đời sống của người dân xã Yên Cư (Chợ Mới, Bắc Kạn) đã từng bước được nâng cao nhờ sản xuất chè Shan tuyết theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chợ Mới phát triển cây chè chất lượng cao

Huyện Chợ Mới có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các cây trồng chất lượng cao. Để giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 15/12/2020 về phát triển sản xuất theo chuỗi một số nông, lâm sản chủ lực của huyện Chợ Mới để nâng cao đời sống khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực.

Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp chặt chẽ với các xã tiến hành rà soát quy hoạch vùng chè, tổng hợp nhu cầu trồng mới của Nhân dân, đồng thời vận động Nhân dân tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây chè. Diện tích chè hiện có của toàn huyện là 740ha, trong đó, diện tích chè Shan tuyết là 194 ha, diện tích cho thu hoạch 141 ha, chè trung du 519 ha, diện tích cho thu hoạch 171 ha.

Tại xã Như Cố, nghề trồng chè đã có từ lâu nhưng cây chè được khai thác và trồng với diện tích lớn thì chỉ gần chục năm nay. Chè là nguồn thu nhập chủ yếu, góp phần quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống của người dân Như Cố. Việc sản xuất và cung cấp chè ngày càng được quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Người dân đã tích cực thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao chất lượng cây chè. Trong đó, đặc sản chè Như Cố đã được người tiêu dùng trong nước biết đến, lựa chọn.

Theo mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện, phấn đấu đến năm 2025, thực hiện thâm canh, cải tạo diện tích 200 ha giống chè trung du theo hướng an toàn thực phẩm và VietGap tại các xã Thanh Thịnh, Như Cố, Quảng Chu và thị trấn Đồng Tâm. Đến nay, riêng xã Như Cố đã thực hiện cải tạo gần 24 ha chè trung du và được cấp giấy chứng nhận VietGap, đồng thời cải tạo và cấp giấy chứng nhận VietGap cho 37 ha cây chè trung du trên địa bàn các xã còn lại.

Người dân xã Yên Cư thu hoạch búp chè Shan tuyết.
Người dân xã Yên Cư thu hoạch búp chè Shan tuyết.

Chè Shan tuyết cũng là lợi thế của huyện Chợ Mới. Giai đoạn 2022 - 2024, với tổng kinh phí phê duyệt 4,01 tỷ đồng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Dự án trồng mới, thâm canh theo hướng hữu cơ, hỗ trợ nhà xưởng, dây chuyền chế biến, thiết kế bao bì, hiện nay đang triển khai thực hiện.

Huyện cũng đã triển khai cải tạo thâm canh và cấp giấy chứng nhận VietGap chè Shan tuyết tại xã Yên Hân đạt 11,33 ha, Yên Cư 28,67 ha và có 12,7 ha chè Shan tuyết tại thôn Thái Lạo xã Yên Cư được cấp giấy chứng nhận sản xuất phù hợp theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Những nội dung định hướng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã giúp người dân huyện Chợ Mới phát triển cây chè theo hướng tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị cây trồng. Thời gian tới, địa phương tiếp tục đầu tư, cải tạo, liên kết phát triển vùng nguyên liệu, tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường.

Ông Đặng Tuấn Khanh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Bắc Kạn chia sẻ: Trong giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn đặt mục tiêu có khoảng 200 sản phẩm OCOP được công nhận. Chợ Mới là huyện có diện tích đất trồng chè lớn của tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay Chợ Mới đang chú trọng phát triển chè sản xuất theo hướng hữu cơ, nhằm đưa sản phẩm tham gia OCOP. Đã có một số doanh nghiệp cam kết đầu tư sản xuất và hỗ trợ phát triển chè Chợ Mới”.

"Để đạt được các mục tiêu trên, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh nhân rộng vùng nguyên liệu chè hữu cơ để tham gia sản phẩm OCOP không chỉ tăng về diện tích mà tăng về số hộ tham gia, để từng bước nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân" - ông Đặng Tuấn Khanh cho biết.

Khẳng định vị thế cây chè trung du

Huyện Chợ Mới có hơn 740ha chè, trong đó diện tích cây chè trung du là 519ha, tập trung ở các xã Quảng Chu, Như Cố, Thanh Thịnh và thị trấn Đồng Tâm. Cây chè trung du được trồng trên đất Chợ Mới từ lâu, tuy nhiên trước đây người dân chủ yếu trồng chè bằng hạt, ít chăm sóc nên năng suất, chất lượng không cao. Xác định đây là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, giúp nông dân tăng thu nhập nên những năm qua huyện Chợ Mới đã quy hoạch, phát triển cây chè thành một trong những cây trồng hàng hóa được đầu tư phát triển theo Đề án “Phát triển sản xuất theo chuỗi một số nông sản chủ lực huyện Chợ Mới giai đoạn 2019-2021”.

Theo đó, huyện lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư phát triển vùng chè, đưa giống chè mới chất lượng cao vào trồng để thay thế dần diện tích trồng bằng giống cũ, năng suất thấp. Cụ thể, huyện đã thực hiện cải tạo, thâm canh các nương chè già cỗi tại các xã Quảng Chu, Như Cố, thị trấn Đồng Tâm. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ cây giống cho bà con trồng mới, phối hợp tập huấn kỹ thuật giâm cành, chăm sóc, thu hái, bảo quản và chế biến sản phẩm quy mô hộ gia đình. Hỗ trợ thành lập tổ hợp tác và HTX hoạt động trong lĩnh vực chế biến chè nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết tiêu thụ thuận lợi.

Người Dao xã Yên Cư (Chợ Mới, Bắc Kạn) lựa từng búp chè Shan tuyết theo tiêu chuẩn VietGap.
Người Dao xã Yên Cư (Chợ Mới, Bắc Kạn) lựa từng búp chè Shan tuyết theo tiêu chuẩn VietGap.

Đến nay, huyện Chợ Mới thực hiện thâm canh, cải tạo được 50ha chè, có 25ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Trong đó, huyện phối hợp khảo sát, lựa chọn và quy hoạch thành vùng để phát triển mô hình thâm canh cây chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10ha tại xã Như Cố. Việc triển khai mô hình giúp người dân thay đổi phương thức canh tác lạc hậu sang ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, hạn chế sâu bệnh, ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng chè, môi trường và sức khỏe. Diện tích chè quy hoạch phát triển theo mô hình VietGAP hiện phát triển tốt, năng suất và chất lượng vượt trội hơn so với những năm trước.

Ông Nguyễn Văn Hùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Chè được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Vì vậy, huyện tập trung rà soát lại diện tích hiện có để có giải pháp mở rộng sản xuất với số lượng lớn, đáp ứng thị trường tiêu thụ. Đối với cây chè trung du hiện nay có diện tích khá lớn, do đó huyện hợp tác và tạo điều kiện cho Công ty TNHH Mộc Linh đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè trung du tại xã Như Cố, giúp cho huyện tập huấn kỹ thuật, cải tạo, thâm canh cây chè. Với chè Shan tuyết, tập trung hỗ trợ người dân cải tạo, thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng và phấn đấu thực hiện thí điểm gắn chíp trên cây chè Shan tuyết cổ thụ để quản lý, bảo vệ, theo dõi quá trình chăm sóc. Vận dụng cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND của tỉnh để giúp các HTX trồng, chế biến sản phẩm chè đóng gói, hoàn thiện tem truy xuất nguồn gốc, tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.

Với những cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp của địa phương sẽ góp phần từng bước khẳng định vị thế của cây chè ở Chợ Mới, đưa hương vị chè của huyện bay xa hơn nữa.

PHI LONG /VP TÂY BẮC