Theo dữ liệu của VietTimes, hôm 17/4 vừa qua, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ thêm gần 3.000 tỷ đồng, từ 4.050 tỷ đồng lên mức 7.000 tỷ đồng.
Toàn bộ nguồn vốn do các nhà đầu tư tư nhân trong nước đóng góp, cơ cấu cổ đông cụ thể không được công bố. Đáng chú ý, thương vụ được hoàn tất trong thời điểm cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội, số các chuyến bay bị hạn chế tối đa, nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cập nhật tại ngày 31/3/2020, FLC ghi nhận tỷ lệ sở hữu tại Bamboo Airways trên báo cáo tài chính hợp nhất là 52,11%, không thay đổi so với cuối năm 2019.
Trong khi đó, trên báo cáo riêng lẻ, FLC ghi nhận tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp hàng không này chỉ ở mức 51,11%. Phần vốn đã góp của FLC vào Bamboo Airways vẫn không thay đổi, ở mức 2.070 tỷ đồng.
Kể từ khi được thành lập vào năm 2017, hãng hàng không của FLC đã thực hiện nhiều đợt tăng vốn. Trong đó, đợt tăng vốn từ 2.200 tỷ đồng lên 4.050 tỷ đồng của Bamboo Airways vào tháng 10/2019 gây được nhiều sự chú ý hơn cả.
Bởi lẽ, sau đợt tăng vốn này, tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo Airways đột ngột giảm từ 100% xuống chỉ còn 52,11% vốn điều lệ. Danh tính của nhà đầu tư sở hữu số cổ phần còn lại của Bamboo Airways không được tiết lộ.
|
Ở một diễn biến khác, sau khi Bamboo Airways tăng vốn lên 4.050 tỷ đồng, vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT FLC) đã thế chấp lượng lớn cổ phần của doanh nghiệp này (Mã CK: BAV) tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Tổng số cổ phần BAV từng đem thế chấp, theo các hợp đồng cầm cố/thế chấp, lên tới 180,28 triệu cổ phần.
Với việc tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng, quy mô vốn điều lệ của Bamboo Airways đã vượt Vietjet Air và bằng gần một nửa so với Vietnam Airlines./.
Nguyễn Ánh
Theo Viettimes