Bản tin Tiêu dùng 13/5: Sake trở thành đặc sản được ưa chuộng, bán với giá 70.000 đồng/kg

Hôm nay (13/5) giá vàng thế giới lao dốc, trong khi đó giá lợn hơi không biến động; Quả sake đang bán ra thị trường với giá khoảng 50.000-70.000 đồng/kg.

Giá vàng lao dốc

Bản tin Tiêu dùng 13/5: Sake trở thành đặc sản được ưa chuộng, bán với giá 70.000 đồng/kg - Ảnh 1

Một đợt tăng đột biến khác của đồng USD đã kéo giá vàng thế giảm sâu trong phiên giao dịch giữa tuần. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 trên sàn Comex chạm mức thấp 1.820,4 USD/ ounce và giao dịch lần cuối ở mức 1.822,3 USD, giảm 1,7% trong ngày. Vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.821,5 USD/ ounce, giảm 31,9 USD so với rạng sáng ngày trước đó.

Trong phiên giao dịch rạng sáng 13/5 (giờ Việt Nam), chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đã tăng vọt lên 104,8, mức cao nhất trong 20 năm qua. Chỉ số đồng USD tăng lên gây áp lực mạnh mẽ lên vàng khi nó làm cho kim loại quý trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Ngược chiều với biến động trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay (13/5) tiếp tục đà tăng. Hiện tại, vàng trong nước vẫn đang giao dịch ở mức trên 70 triệu đồng/ lượng bán ra.  

Rạng sáng, vàng miếng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức 69,5 triệu đồng/ lượng mua vào và 70,2 triệu đồng/ lượng bán ra, tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều so với rạng sáng ngày trước đó. Tại Hà Nội, DOJI đã điều chỉnh tăng 200.000 đồng ở cả hai chiều, đưa giá vàng tại khu vực này lên lần lượt 69,6 triệu đồng/ lượng mua vào và 70,3 triệu đồng/ lượng bán ra.

Giá vàng SJC trong rạng sáng ngày hôm nay tiếp tục được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng 200.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán. Với mức tăng này, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 69,7 triệu đồng/ lượng mua vào và 70,32 triệu đồng/ lượng bán ra. Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.

Giá lợn hơi ổn định

Bản tin Tiêu dùng 13/5: Sake trở thành đặc sản được ưa chuộng, bán với giá 70.000 đồng/kg - Ảnh 2

Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi hôm nay đồng loạt chững giá. 

Theo đó, mức giao dịch thấp nhất khu vực được chứng kiến tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình là 54.000 đồng/kg. 

Thương lái tại Hưng Yên vẫn thu mua lợn hơi với giá 57.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. 

Các tỉnh thành còn lại đều đang giao dịch ổn định trong khoảng 55.000 - 56.000 đồng/kg. 

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 54.000 - 57.000 đồng/kg.

Thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng đi ngang so với ngày hôm qua. 

Hiện tại, thương lái tỉnh Bình Thuận tiếp tục giao dịch tại ngưỡng 58.000 đồng/kg. 

Các tỉnh thành còn lại trong khu vực vẫn thu mua ổn định quanh mốc 55.000 đồng/kg. 

Giá thu mua lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 54.000 - 58.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi không ghi nhận nhiều thay đổi mới trong hôm nay. 

Hầu hết thương lái tại các tỉnh thành trong khu vực đều đang giao dịch ổn định quanh mốc trung bình là 56.000 đồng/kg. 

Riêng tỉnh Bến Tre điều chỉnh giá thu mua lên 57.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. 

Giá lợn hơi khu vực miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg.

Sake trở thành đặc sản được ưa chuộng, bán với giá 70.000 đồng/kg

Bản tin Tiêu dùng 13/5: Sake trở thành đặc sản được ưa chuộng, bán với giá 70.000 đồng/kg - Ảnh 3

Sake (hay còn gọi là sa kê) có tên tiếng Anh là breadfruit – quả bánh mì bởi sau khi nấu chín có bề mặt giống như ổ bánh mì nướng, trong khi mùi và vị lại giống như khoai tây. Chúng là một loại thực vật có hoa, thân gỗ thuộc họ dâu tằm.

Sake được trồng để lấy quả, mỗi cây có thể cho từ 150 - 200 quả/ vụ mùa. Chúng xuất hiện đầu tiên ở bán đảo Mã Lai và các đảo thuộc Thái Bình Dương. Ngày nay, người dân đem giống sake về và trồng rộng rãi khắp khu vực nhiệt đới.

Tại Việt Nam, sake được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực miền Tây Nam bộ. Chị Hoàng Thư (38 tuổi, TP.HCM) – chủ cửa hàng nông sản lớn tại quận Cầu Giấy cho biết: "Bề ngoài, sake giống quả mít của miền Bắc song bên trong lại không có hạt, thịt dày, màu trắng bùi bùi. Khi cắt ra, trông nó rất giống miếng khoai lang nhưng ăn lại vừa thơm vừa béo"

Hiện tại sake đang bước vào những ngày đầu mùa, còn chính vụ chừng tháng 7 đến tháng 10 hằng năm. Khi đó người dân miền Tây sẽ thu hoạch trái già và bán ra thị trường với giá khá... rẻ, khoảng 50.000-70.000 đồng/kg.

Sự thật cua biển được rao bán với giá “siêu rẻ”

Bản tin Tiêu dùng 13/5: Sake trở thành đặc sản được ưa chuộng, bán với giá 70.000 đồng/kg - Ảnh 4

Cua Cà Mau là một trong những loại cua biển ngon nhất có độ ngọt và thơm tự nhiên. Thông thường, giá cua thịt dao động từ 300-450 nghìn đồng/kg, tuỳ size; cua gạch có giá từ 450-700 nghìn đồng/kg, tuỳ loại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên các chợ online bất ngờ có nhiều bài viết rao bán cua Cà Mau với giá chỉ từ 39 nghìn đồng/con.

“Cua tự nhiên, không phải cua nuôi lại còn không có dây, giá chỉ 75 nghìn đồng/con, size 0,2-0,4kg/con. Cua ngọt, thịt thơm, bao chắc mẩy”, chị Hằng, người bán hải sản tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) quảng cáo.

 Giá rẻ, cua lại còn tươi sống nên những bài viết này thu hút sự quan tâm đặt hàng của khá nhiều chị em. Tuy nhiên cũng khiến không ít người e ngại.

Hơn 20 năm nuôi cua tại Cà Mau, chị Luôn, trú tại TP. Cà Mau cho biết, đây là loại cua don, có rất ít người bán loại cua này vì thị trường ít người mua.

"Loại cua này ở Cà Mau hầu như không có người bán. Chủ yếu là cua biển từ vùng Kiên Giang bắt lên rồi chuyển đi mối vì con nhỏ, thịt ít, giá thấp, thị trường cũng ít mua. Giá bán lẻ ra thị trường chỉ được từ 160-190 nghìn đồng/kg, thịt đạt tầm 70-80%, khách mua về rang me rồi ăn chứ hấp lên có tí nị thịt thôi à", chị Luôn nói.

Theo chị Luôn, loại cua này thường được buộc dây vải, hút nhiều nước. Nếu con cua loại 5-6 con mà buộc dây vải thì bỏ dây ra thì phải 7-8 con mới được 1kg. Vậy nên, thêm cước từ Kiên Giang ra Hà Nội khoảng 30-40 nghìn đồng/kg thì cửa hàng hải sản sẽ bán ra 39 nghìn đồng/con là bình thường chứ không phải là quá rẻ.

Vì vậy, chị Luôn cho rằng, tiền nào của nấy, người tiêu dùng nên lựa chọn cửa hàng uy tín hoặc chỗ quen biết để mua hàng, tránh trường hợp ham rẻ mà mua phải cua loại hoặc cua kém chất lượng.

Hương Trà (t/h)