Giá vàng tăng trở lại
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên giảm 2,6 USD xuống 1.788,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 trên sàn Comex New York tăng gần 13 USD lên 1.797,1 USD/ounce.
Với mức giá ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước khoảng gần 10,6 triệu đồng/lượng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/11, giá vàng miếng 9999 trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji ở mức 60,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội và 60,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61 triệu đồng/lượng (bán ra) tại TP.HCM.
Giá vàng tại SJC niêm yết ở mức 60,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,07 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Còn tại TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 60,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,05 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá lợn hơi tiếp tục điều chỉnh từ 1.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg
Thị trường lợn hơi miền Bắc hôm nay ghi nhận điều chỉnh giảm ở một số địa phương trong khu vực.
Theo đó, Lào Cai là tỉnh thành duy nhất giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 40.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.
Nhỉnh hơn từ một đến hai giá, Bắc Giang, Phú Thọ, TP Hà Nội, Yên Bái và Tuyên Quang tiếp tục duy trì giao dịch trong khoảng 41.000 - 42.000 đồng/kg.
Mốc giá cao nhất khu vực hiện là 45.000 đồng/kg, ghi nhận ở ba tỉnh Thái Bình, Hà Nam và Ninh Bình.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên hôm nay ghi nhận mức giảm từ 2.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg tại một số địa phương.
Theo đó, Quảng Bình và Quảng Trị điều chỉnh giảm 2.000 đồng/kg, lần lượt thu mua với giá là 43.000 đồng/kg và 44.000 đồng.
Sau khi giảm 3.000 đồng/kg, Thừa Thiên Huế đang giao dịch với giá 42.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.
Các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định và Đắk Lắk tiếp tục neo tại mốc 45.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 42.000 - 46.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam tăng rải rác tại một vài nơi trong khu vực.
Cụ thể, Kiên Giang tăng 2.000 đồng/kg lên mức 45.000 đồng/kg, cùng giá với Bình Phước, Bình Dương, Long An và Bạc Liêu.
Thương lái tỉnh Bến Tre đang thu mua lợn hơi ở mốc 44.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua.
Các tỉnh còn lại không có biến động mới trong hôm nay, giao dịch trong khoảng 43.000 - 46.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng 43.000 - 46.000 đồng/kg.
Loại bưởi Việt có giá hơn 1 triệu đồng/quả
Đây là giống bưởi đỏ - đặc sản xứ Thanh. Điều đặc biệt hơn, trên mỗi quả bưởi đỏ, sau khi hái sẽ được các nghệ nhân trang trí, viết họa tiết thư pháp làm tăng thêm giá trị, tạo hình thành những mâm ngũ quả đỏ rực, sum suê.
Ông Nguyễn Tiến Hải, chủ vựa chuyên thu mua và canh tác bưởi đỏ ở Thanh Hóa cho biết, năm nay mỗi quả bưởi đỏ trang trí họa tiết thư pháp sẽ có giá hơn một triệu đồng, tăng 20% so với năm ngoái.
Theo tính toán của ông Hải, dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ bán ra thị trường vài chục nghìn quả bưởi đỏ, trong đó, khoảng 15.000 quả được vận chuyển vào Nam.
“Nếu cộng các loại chi phí, giá bán lẻ một quả bưởi loại 1 nặng trên 2 kg có vẽ thư pháp tại TP. HCM sẽ lên đến 1-1,2 triệu đồng, tăng 20% so với năm ngoái” – ông Hải cho biết.
Bưởi đỏ hay còn gọi là bưởi Luận Văn, được trồng tại làng Luận Văn, xã Thọ Xương, Thanh Hóa. Hiện nay đã được phát triển nhiều tại các xã Xuân Bái, Xuân Lam, Xuân Trường… huyện Thọ Xuân.
Theo người dân địa phương, đây là giống bưởi được dâng Vua thời hậu Lê. Giống bưởi này có màu đỏ tươi từ trong ra ngoài, mùi thơm dịu.
Là giống bưởi quý nhưng khó trồng nên người trồng phải có kỹ thuật mới tạo ra sản phẩm đẹp, đồng đều và ít bị sâu bệnh. Nếu bưởi bị sương muối nhiều khi ra hoa sẽ khó đậu quả. Lúc thu hoạch, người trồng cũng phải chọn ngày nắng ráo và tránh ngày mưa để bưởi không bị hư hỏng và rụng cuống.
Quả bưởi đỏ khi nhỏ cũng có màu xanh như các giống bưởi khác, nhưng khi già bưởi chuyển dần sang màu vàng và đến lúc chín (khoảng tháng 10 - 11 âm lịch) thì đổi hẳn sang màu đỏ như quả gấc. Trọng lượng mỗi quả dao động từ 800 gram đến 2,6 kg. Chúng có thể chưng Tết 2-4 tháng (tùy cách bảo quản).
Không chỉ có màu sắc đẹp, khi thưởng thức hương vị bưởi cũng rất ngon, chỉ cầm quả bưởi trên tay đã ngửi thấy mùi thơm nức, càng xoa tay vào quả bưởi càng đỏ, ăn bưởi có vị ngọt thanh.
Điều thú vị, khi sử dụng rượu để lau bưởi trước khi dâng cúng tổ tiên, bưởi sẽ có mùi thơm dịu và lưu giữ được màu sắc, vẻ tươi đẹp cả tháng trời. Không những vậy, với màu đỏ đặc trưng, bắt mắt, bưởi Luận Văn còn được xem như biểu tượng của sự may mắn, tài lộc. Chính vì vậy, người xưa ưu ái xếp bưởi đỏ Luận Văn lên vị trí “vua” của các loại bưởi.
Theo các chủ vườn, bưởi đỏ (chưa vẽ hoạ tiết thư pháp) năm nay quả tròn và đẹp hơn mọi năm nhưng giá không tăng. Hiện giá bán tại các vườn dao động 100.000-150.000 đồng mỗi quả tùy loại. Riêng loại 1 có giá bán lên đến 200.000-300.000 đồng mỗi quả.
Mít ruột đỏ có giá 400.000 đồng/kg vẫn cháy hàng
Trái ngược với giá mít Thái đang giảm xuống từng ngày thì mít ruột đỏ lại được lùng mua tại vườn với giá gấp 10 lần. Thậm chí, tại Hà Nội, các cửa hàng hoa quả sạch còn bán với giá 400.000 đồng/kg múi.
Chị Vũ Thảo, chủ cửa hàng hoa quả sạch tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, mít ruột đỏ tại cửa hàng mình đang bán là 120.000 đồng/kg cả quả và 400.000 đồng/kg múi nhưng cửa hàng luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
“Khách có nhu cầu nên tôi mới nhập về, mặc dù giá cao nhưng nhiều người rất thích. Giá mít ruột đỏ bình thường đã cao gấp 10 lần mít Thái, để chọn một quả mít ngon cũng rất khó. Loại mít này cũng ít múi hơn mít Thái nên khi gọt vỏ, bỏ xơ, bán múi thì tôi bán với giá 400.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thi thoảng mới có để bán nên có bao nhiêu cũng được đặt hết”, chị Thảo cho hay.
Giá mít ruột đỏ cao vì còn khá lạ lẫm với người tiêu dùng. Ngoài ra diện tích trồng mít ruột đỏ cũng còn khá ít, chưa đủ phục vụ nhu cầu người dân. Vì vậy, thời gian gần đây, một số hộ dân ở miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên như Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông đã bắt đầu mua cây giống về trồng.
Mặc dù vậy, người dân cho rằng phải 8-10 năm nữa giá mít ruột đỏ mới có thể hạ nhiệt vì hiện tại, sản lượng mít ruột đỏ vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tại các tỉnh miền Nam, chưa nói đến thị trường rộng lớn ở miền Bắc.
Hương Trà (t/h)