Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Công điện chỉ đạo chủ động ứng phó với bão số 3 (Nguồn ảnh: Báo Chính phủ)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 19/7, bão WIPHA đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025. Cơn bão có xu hướng tiếp tục mạnh lên, dự kiến từ ngày 21–22/7 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, đồng thời gây mưa lớn, gió mạnh tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao tinh thần chủ động, bám sát diễn biến thời tiết, chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, tránh và ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, hoạt động sản xuất – kinh doanh, hệ thống hạ tầng và công trình trọng yếu.
Một số nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng chỉ đạo như sau:
Đối với các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão; tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện (kể cả tàu du lịch) chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy cơ cao hoặc về nơi trú tránh an toàn. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.
Đối với các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ:
-
Cập nhật thông tin dự báo đến người dân một cách đầy đủ, kịp thời; tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng ứng phó với mưa lớn, gió mạnh, ngập úng, lũ ống, sạt lở đất.
-
Rà soát, xây dựng phương án di dời người dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; bảo đảm nơi ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu.
-
Triển khai biện pháp bảo vệ tài sản, công trình công cộng, nhà ở, khu công nghiệp, hạ tầng điện – nước – viễn thông.
-
Tổ chức kiểm tra các tuyến đê điều, công trình thủy lợi, hồ chứa nước; sẵn sàng phương án điều tiết hợp lý và bảo đảm an toàn công trình.
-
Chủ động tiêu thoát nước, chống ngập úng tại khu vực sản xuất nông nghiệp, khu dân cư, đô thị.
-
Tăng cường lực lượng kiểm soát tại các khu vực ngập sâu, ngầm tràn, điểm có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn giao thông và sinh hoạt cho người dân.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Môi trường:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, chủ động chỉ đạo ứng phó trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, đê điều, đặc biệt tại những khu vực xung yếu hoặc đang triển khai công trình.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an:
Chỉ đạo các đơn vị đóng quân tại địa phương phối hợp chặt chẽ với chính quyền, sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu, bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, cùng các Bộ, ngành liên quan:
Chủ động kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó theo lĩnh vực được phân công; đảm bảo an toàn hệ thống năng lượng, viễn thông, công trình công cộng và khu vực sản xuất.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam:
Kịp thời truyền tải thông tin dự báo, diễn biến bão, cũng như các chỉ đạo từ Chính phủ, phổ biến kỹ năng ứng phó với thiên tai đến đông đảo người dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà được giao trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp phù hợp với diễn biến của bão và mưa lớn.
Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình, kịp thời báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ về những nội dung phát sinh cần chỉ đạo.
Bá Thành