Bất chấp Covid-19, xuất khẩu chè tháng 5/2021 tăng cả về lượng và trị giá

Tháng 5/2021, chè xuất khẩu ước đạt 12 nghìn tấn, trị giá 19 triệu USD, tăng 27% về lượng và tăng 21,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu chè Việt Nam tháng 5/2021 tăng cả về lượng và trị giá

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5/2021, chè xuất khẩu đạt 12 nghìn tấn, trị giá 19 triệu USD, tăng 27% về lượng và tăng 21,7% về trị giá so với tháng 5/2020. Giá xuất khẩu chè bình quân ước đạt 1.583,3 USD/tấn, giảm 4,2% so với tháng 5/2020.

Trong 5 tháng đầu năm 2021 chè xuất khẩu ước đạt 49 nghìn tấn, trị giá 78 triệu USD, tăng 6,5% về lượng và tăng 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.592,6 USD/tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Chè đen và chè xanh là hai chủng loại chè xuất khẩu chính trong 4 tháng đầu năm 2021. Trong đó, xuất khẩu chè đen đạt 19,6 nghìn tấn, trị giá 27,35 triệu USD, giảm 5,9% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè đen xuất khẩu bình quân đạt 1.395,3 USD/tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Chủng loại chè đen xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Nga, I-rắc, thị trường Đài Loan…

Bất chấp Covid-19, xuất khẩu chè tháng 5/2021 tăng cả về lượng và trị giá - Ảnh 1

Tiếp tiếp là chủng loại chè xanh xuất khẩu với tỷ trọng chiếm 41,1% tổng lượng các chủng loại chè xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2021, đạt 15,16 nghìn tấn, trị giá 27,13 triệu USD, tăng 13,1% về lượng và tăng 17,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chủng loại chè xanh xuất khẩu bình quân đạt 1.789,9 USD/ tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Chủng loại chè xanh xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Pa-ki-xtan, với lượng chiếm 55,5% tổng lượng chè xanh xuất khẩu.

Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2021, chủng loại chè ướp hoa xuất khẩu tăng rất mạnh cả về lượng và trị giá, trong khi đó chủng loại chè ô long xuất khẩu giảm mạnh về lượng, nhưng giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh nên trị giá tăng rất mạnh.

Thị phần chè của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu chè của Hoa Kỳ tăng 

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), nhập khẩu chè của Hoa Kỳ trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 25,5 nghìn tấn, trị giá 110,4 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu bình quân của Hoa Kỳ đạt 4.326,6 USD/tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Hoa Kỳ nhập khẩu chè nhiều nhất từ thị trường Ác-hen-ti-na trong 3 tháng đầu năm 2021, đạt 10,33 nghìn tấn, trị giá 13,8 triệu USD, tăng 13,9% về lượng và tăng 14,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu trung bình từ thị trường Ác-hen-ti-na ở mức 1.338,3 USD/tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ thị trường Ác-hen-ti-na chiếm 40,5% tổng lượng chè nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 4 cho Hoa Kỳ trong 3 tháng đầu năm 2021, đạt 1,39 nghìn tấn, trị giá 1,88 triệu USD, tăng 12,1% về lượng và tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt 1.350,2 USD/tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 5,5%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Hoa Kỳ nhập khẩu chủ yếu là chủng loại chè đen trong 3 tháng đầu năm 2021, đạt 21,14 nghìn tấn, trị giá 67,87 triệu USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Chè đen Hoa Kỳ nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Ác-hen-tina và Ấn Độ.

Tiếp theo là chủng loại chè xanh. Hoa Kỳ nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 4 nghìn tấn, trị giá 41,16 triệu USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc là thị trường cung cấp chính chủng loại chè xanh cho Hoa Kỳ, với lượng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 32,8% tổng lượng chè xanh Hoa Kỳ nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2021.

Thị trường chè thế giới có nhiều biến động

Thời tiết khô hạn và dịch Covid-19 lây lan mạnh làm sản lượng chè của Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm
2021 giảm mạnh. Theo nguồn economictimes.indiatimes.com, do thời tiết khô hạn và dịch Covid-19 lây lan mạnh đối với công nhân chè của Ấn Độ, đã làm giảm sản lượng chè ở bang Assam - vựa chè lớn nhất ở Ấn Độ và Tây Bengal trong 5 tháng đầu năm 2021, với mức giảm khoảng 60 đến 70 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2019 (năm 2019 là năm sản xuất chè bình thường, nên đây là mốc thời gian để so sánh; năm 2020 ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều đồn điền chè phải đóng cửa bởi lệnh giãn cách xã hội nên sản lượng chè trong giảm mạnh trong thời gian này).

Còn tại Xri Lan-ca, trong 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng chè của quốc gia này đạt 104,09 nghìn tấn, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2020. Theo Hiệp hội xuất khẩu chè Xri Lan-ca, trong tháng 4/2021 sản lượng chè nước này đạt 29,58 nghìn tấn, tăng 42,1% so với tháng 4/2020. Trong 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng chè của Xri Lan-ca đạt 104,09 nghìn tấn, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 4/2021, Xri Lan-ca xuất khẩu chè đạt 16,31 nghìn tấn, giảm 10,1% so với tháng 4/2020. Trong 4 tháng đầu năm 2021, Xri Lan-ca xuất khẩu chè đạt 86,2 nghìn tấn, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020. Xri Lan-ca xuất khẩu chè nhiều nhất tới thị trường Thổ Nhĩ Kỳ trong 4 tháng đầu năm 2021, đạt 11,1 nghìn tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 12,8% tổng lượng chè xuất khẩu. Tiếp theo là thị trường I-rắc, Nga, Các TVQ Ả rập Thống nhất, Trung Quốc…

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bảo Anh