Khói than “thổi” lên làng nghề
Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là một làng cổ bên tả ngạn sông Hồng nổi tiếng với nghề làm gốm sứ.
Trải qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, gốm Bát Tràng đã trở thành một thương hiệu có sức sống bền lâu, mạnh mẽ không chỉ trong nước mà còn cả thị trường khu vực và thế giới.
Song, đi kèm với sự phát triển của làng nghề, của nền kinh tế là sự suy thoái về môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Trước năm 2000, các hộ dân tại Bát Tràng đều sử dụng lò hộp đốt than để nung gốm. Trong đó, thời gian nung một chuyến lò phải kéo dài tới 3 ngày 3 đêm.
Gần đấy thời gian cho hàng nghìn chiếc lò được nung đỏ lửa, thử hỏi biết bao tấn than mới có thể cung cấp đủ cho Bát Tràng?.
Theo thống kê, mỗi năm làng nghề truyền thống này tiêu thụ khoảng 70.000 tấn than và 100.000 tấn vật liệu để sản xuất các sản phẩm gốm sứ. Quá trình sản xuất này đã thải ra môi trường khoảng 130 tấn bụi/năm, làm rơi vãi, loại bỏ khoảng 225 tấn đất vật liệu và than, khoảng 6.800 tấn tro sỉ/năm.
Hàng ngày, có khoảng 2.000 tấn khí độc hại gồm CO, CO2, SO2, H2S, Hydrocacbon bủa vây cuộc sống con người.
Lò nung bằng than đã gây nên những tác hại lớn tới đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Bát Tràng gần như ngộp thở bởi khói than và gỗ đốt lò.
Trao đổi với PV, bà Hà Thị Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho biết: “Khi hệ thống lò hộp ra đời cũng là lúc tạo ra nhiều hệ lụy khủng khiếp tới môi trường. Buổi sáng đi ra đường, kể cả đã đeo khẩu trang thì vẫn đen kịt hết mũi, ban đêm nằm trong nhà mà vẫn thấy khó thở. Chính vì thế mà thời gian này rất nhiều người trong làng bị ung thư”.
Không chỉ vậy, việc sử dụng than để đốt lò còn khiến sản phẩm kém chất lượng, không đảm đảo yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường thế giới.
“Lần đầu tiên tôi đưa các sản phẩm gốm của mình sang Mỹ mặc dù đã được họ đồng ý nhập khẩu nhưng chỉ được một lần duy nhất mà không có đơn hàng tiếp theo. Qua tìm hiểu, tôi mới biết do gốm của mình đốt trên môi trường lửa than nên bị bẩn, bụi bám, chất lượng không đồng đều.
Sau đó, tôi đã đi sang rất nhiều nước trong khu vực để tìm hiểu về các sản phẩm cũng như công nghệ của họ thì mới thấy được bước tiến của nước người ta đã bỏ xa mình rất nhiều. Lúc này, tôi biết Bát Tràng cần phải thay đổi để vừa bảo vệ môi trường làm nghề vừa nâng cao sản phẩm”, bà Vinh chia sẻ.
Bát Tràng “thay áo mới” nhờ công nghệ
Song song với việc mở rộng không gian sản xuất, duy trì sự sinh tồn của làng nghề là việc cải tiến kỹ thuật mà trước hết là cải tiến lò nung gốm. Trong đó, nổi bật nhất là thay thế lò hộp bằng lò con thoi (lò gas).
Giai đoạn đầu, khi chưa sản xuất được lò gas, làng Bát Tràng phải nhập lò từ Nhật Bản, Đài Loan và Đức nhưng giá thành quá cao. Dựa trên công nghệ đó cũng như đúc rút kinh nghiệm trong quá trình làm nghề, các nghệ nhân Bát Tràng đã chế tạo ra một kiểu lò gas phù hợp hơn với tình hình thực tế, điều kiện kinh tế và môi trường làm nghề của một địa phương. Ước tính chi phí sản xuất một chiếc bình khi dùng lò nung gas rẻ hơn 20%, một chiếc vại lớn sẽ rẻ hơn 60% so với dùng lò nung bằng than.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Hà Thị Vinh cho biết: “So với các loại hình lò truyền thống, việc xây cất một chiếc lò gas sẽ có giá thành cao hơn rất nhiều lần nhưng mang lại hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm, giảm sức người, giảm thời gian và đặc biệt là cải tiến được môi trường rõ rệt. Giờ đây, mọi người có thể hít thở, tận hưởng không khí trong lành tại Bát Tràng mà không phải lo khói bụi nữa”.
Không chỉ vậy, hơi nóng của khí thải gas còn được người dân Bát Tràng khéo léo thu lại vào đường dẫn để sử dụng sấy khô sản phẩm, nhất là vào mùa mưa và mùa Đông.
Cũng nhờ lò gas, tỷ lệ sản phẩm đạt chuẩn sau khi nung lên tới 95% như màu men đều, bóng; tạo ra những màu men mới, bền với thời gian. Sản phẩm còn có khả năng chịu lực, chịu nhiệt tốt hơn (có thể sử dụng để hâm thức ăn trong lò vi sóng). Do tính ưu Việt của công nghệ này mà hiện số lò gas ở làng gốm Bát Tràng đã đạt tới 95%.
Có thể nói, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ lò gas đã đánh dấu một bước đột phá, một bước ngoặt lịch sử trong sản xuất gốm sứ của Bát Tràng. Hiện nay, Bát Tràng đã và đang có nhiều định hướng phát triển du lịch bền vững, ngày càng chiếm được nhiều thiện cảm trong lòng du khách và bạn bè quốc tế.
Theo thống kê, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, phân bố không đều. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường.
Sở Công Thương Hà Nội đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 - 2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.
Nguyễn Phượng - Đức Giang