Bình Phước: Người Trưởng ấp gương mẫu trong xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, những năm qua, anh La Văn Sanh - Trưởng ấp Đồng Xê được biết đến là người Trưởng ấp gương mẫu, sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Phước.

Sinh ra và lớn lên tại xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nhưng từ năm 1988 anh La Văn Sanh cùng gia đình vào sinh sống và lập nghiệp tại ấp Đồng Xê, Xã Tân Hòa, Huyện Đồng Phú, Tỉnh Bình Phước. Bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình từ 4 ha trồng điều năm thứ 3 và 4 ha đất trắng, dần tích lũy vốn, anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích gần 20 ha đất, trong đó có 15 ha trồng cao su, 3 ha trồng điều, 2 ha trồng tiêu...

Năng động sáng tạo trong cơ chế thị trường, dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai và đặc biệt nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh La Văn Sanh được nhiều người biết đến là người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Phước.

Anh Sanh kiểm tra máng cạo mủ cao su  (Ảnh: Ban TĐKT tỉnh Cao Bằng)
Anh Sanh kiểm tra máng cạo mủ cao su  (Ảnh: Ban TĐKT tỉnh Cao Bằng)

Năm 2010, anh La Văn Sanh được bà con tín nhiệm bầu là Trưởng ấp Đồng Xê và là đại biểu HĐND xã Tân Hòa. Được biết, Ấp Đồng Xê tổng số 205 hộ dân, trong đó gần 130 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày, Nùng di cư từ vùng núi phía Bắc vào sinh sống, đời sống của bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Để vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động của ấp, anh Sanh đã cùng một số người trong Ban điều hành ấp tuyên truyền vận động, đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng nhà. Đồng thời khuyên bà con chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.

Anh tâm sự: Để bà con tin tưởng, phát triển những mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, thì không chỉ nói suông, mà bản thân người trưởng ấp phải gương mẫu, đi đầu thực hiện sao cho hiệu quả, rồi từ đó mới tuyên truyền, vận động bà con làm theo.

Vốn là người đam mê nghiên cứu, học hỏi, anh nông dân La Văn Sanh hiểu được rằng, khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, người nông dân phải tận dụng đất đai để nâng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật và tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất thì cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao. Vì vậy, anh đã thường xuyên đến các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư và tham khảo những mô hình kinh tế hiệu quả để học tập, áp dụng vào sản xuất. Anh đã xây dựng một mô hình trồng cao su, điều, tiêu hiệu quả, đồng thời mở đại lý thu mua nông sản, thu lãi mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Trong những năm gần đây giá mủ cao su, tiêu, điều  tuy có giảm so với các năm trước đây nhưng thu nhập gia đình anh vẫn ổn định. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về khoảng 900 triệu đồng từ trồng trọt (điều, tiêu, cao su), kinh doanh tạp hóa, thu mua nông sản... thu nhập bình quân đầu người 200 triệu đồng/người/năm. Từ kinh nghiệm thực tế triển khai mô hình, anh Sanh đã giúp đỡ cho các hội viên nông dân khác sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Anh tạo điều kiện cho các gia đình khó khăn vay không lãi, hỗ trợ hộ dân thiếu vốn sản xuất từ 200 đến 250 triệu đồng mỗi năm. Mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp của gia đình anh đã tạo việc làm ổn định cho 27 lao động, trong đó có 12 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/ tháng và 15 lao động thời vụ với thu nhập 250.000đ- 300.000đ/người/ngày.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhận thấy làm đường giao thông cũng chính là để phục vụ cho việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, năm 2021, khi Chính quyền có chủ trương xây dựng 5 tuyến đường kết nối từ đường ĐT741 đi vào dự án khu công nghiệp, dân cư Đồng Phú, gia đình anh Sanh đã tự nguyện hiến hơn 1,42 ha đất với tổng trị giá 13 tỷ đồng để địa phương mở rộng tuyến đường số 4 và đảm bảo cảnh quan nông thôn. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng Nông thôn mới, đầu năm 2023 anh Sanh lại vận động những người thân trong gia đình tiếp tục hiến 2,4 sào đất với 260m mặt đường để mở rộng tuyến đường liên xã từ Tân Hòa đi Tân Lợi, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, hàng hóa lưu thông thuận lợi, kích thích kinh tế phát triển. 

Vườn cao su của gia đình anh Sanh được cưa cắt để giải phóng mặt bằng mở đường giao thông liên xã (Ảnh: Ban TĐKT tỉnh Cao Bằng)
Vườn cao su của gia đình anh Sanh được cưa cắt để giải phóng mặt bằng mở đường giao thông liên xã (Ảnh: Ban TĐKT tỉnh Cao Bằng)

Với mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời tích cực tham gia các phong trào của chi hội nông dân ấp và hội nông dân xã, của tỉnh, anh La Văn Sanh đã được tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp xã, huyện; 2 lần được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Bình Phước.