Bình Thuận thông qua Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né

Theo Cổng TTĐT tỉnh Bình Thuận, vừa qua, trong chương trình kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh đã thông qua Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, theo nội dung Nghị quyết, tên đồ án là Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là khu du lịch quốc gia phát triển du lịch hài hòa với phát triển đô thị. Là trung tâm du lịch với sản phẩm du lịch nổi bật là du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, du lịch gắn với đặc trưng cảnh quan và địa hình cát.

Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. 
Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. 

Cùng với đó, đây còn là trung tâm văn hóa với các giá trị nổi bật về văn hóa Chăm, văn hóa cộng đồng dân cư miền biển và các lễ hội truyền thống.

Hình thành trung tâm du lịch gắn với phát triển đô thị tại khu vực với động lực phát triển chính là du lịch với các chủ đề chính như du lịch biển, vui chơi giải trí; du lịch thể thao; du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe (wellness) và các sản phẩm du lịch khác.

Với quy hoạch mới, Mũi Né mở rộng ra phía bắc và phía tây, bao gồm: 6.625 ha của TP Phan Thiết (các phường Mũi Né, Hàm Tiến, Phú Hài và xã Thiện Nghiệp); 7.165 ha của huyện Bắc Bình (hai xã Hòa Thắng và Hồng Phong) và 970 ha của huyện Tuy Phong (thị trấn Phan Rí Cửa).

Khu du lịch quốc gia này sẽ hình thành ba phân khu: Khu đô thị du lịch biển Phú Hài – Hàm Tiến; Khu đô thị du lịch Mũi Né – du lịch ven biển Nam Hồng Phong; Khu trung tâm đô thị Hòa Thắng. Nơi đây sẽ phát triển các loại hình du lịch biển, vui chơi giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, sinh thái nông nghiệp, văn hóa và cộng đồng, thương mại.

Về quan điểm phát triển không gian, xây dựng không gian phát triển du lịch, trọng tâm là các khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng, các khu vui chơi giải trí, thể thao biển, trung tâm dịch vụ thương mại,... Phát triển các không gian gắn với các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh về tài nguyên biển và các tài nguyên du lịch khác, phát triển mạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng - thể thao biển biển (lướt sóng, thuyền buồm, lặn biển, đua ô tô, mô tô trên đồi cát…), hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện (MICE)…, tạo động lực thúc đẩy các loại hình khác cùng phát triển.

Về định hướng quy hoạch sử dụng đất, giai đoạn đến năm 2030: đất khu vực xây dựng các chức năng có diện tích khoảng 11.084 ha (chiếm tỷ lệ khoảng 75%); đất khu vực nông nghiệp và chức năng khác có diện tích khoảng 3.676 ha (chiếm tỷ lệ khoảng 25%).

Giai đoạn đến năm 2040, đất khu vực xây dựng các chức năng có diện tích khoảng 13.588 ha (chiếm tỷ lệ khoảng 92%); đất khu vực nông nghiệp và chức năng khác có diện tích khoảng 1.172 ha (chiếm tỷ lệ khoảng 7,9%). 

Để tạo động lực, Bình Thuận sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng, nâng cấp đường nối các địa phương với đường ven biển Mũi Né - Phan Rí như: ĐT 711, ĐT 715, ĐT 716, đường vào cảng hàng không Phan Thiết, đường Phan Thanh – Hòa Thắng, Hồng Thái – Hồng Thắng...

Ngoài ra, tỉnh sẽ đầu tư một bến du thuyền tại Tuy Phong, ba bến du thuyền tại Bắc Bình, 4 bến du thuyền tại Phan Thiết, cùng hệ thống đê kè chống sóng và xói lở giảm tác động biến đổi khí hậu, bảo vệ và tôn tạo bãi biển ở các khu du lịch.

Mũi Né là điểm đến nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước biết đến từ sau sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24/10/1995, lâu nay nằm trong phạm vi ba phường: Phú Hài, Hàm Tiến và Mũi Né.

Dự báo khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2030 đón 14 triệu lượt khách (trong đó có 2,5 triệu khách quốc tế); năm 2040 đón 25 triệu lượt khách (6 triệu lượt khách quốc tế); năm 2050 đón 35 triệu lượt khách (11 triệu lượt khách quốc tế).

Tiến Hoàng