Cacao: Từ nguồn gốc quý giá đến thị trường tiềm năng

Cacao là thức uống bổ dưỡng, gắn liền với sự sang trọng cùng cách thưởng thức tinh tế. Đây là một nguyên liệu quý giá, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, giúp cải thiện tâm trạng.

Nguồn gốc của cacao

Cây cacao có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Mexico, được khám phá bởi người Aztec, Maya bản xứ. Cây cacao (Theobroma cacao) chủ yếu được trồng để thu hoạch hạt, làm nguyên liệu chính trong sản xuất sô-cô-la, thuộc họ cẩm quỳ (Malvaceae). Cây cacao phát triển tốt ở các vùng có khí hậu ẩm ướt nhiệt đới, đặc biệt tại những khu vực như Tây Phi, Trung và Nam Mỹ, và Đông Nam Á.

Cacao là loài cây có chiều cao từ 4 đến 8 mét, thường được trồng dưới bóng cây cao hơn để tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp. Lá cây lớn, hình bầu dục, màu xanh đậm, dài khoảng 15 đến 30 cm. Hoa cacao nhỏ, có màu trắng hoặc hồng nhạt, mọc thành cụm trực tiếp trên thân hoặc cành cây. Quả cacao hình bầu dục, dài từ 15 đến 30 cm, vỏ dày và cứng. Bên trong quả chứa từ 20 đến 50 hạt, gọi là hạt cacao.

Cacao: Từ nguồn gốc quý giá đến thị trường tiềm năng   - Ảnh 1

Công dụng của hạt cacao

Hạt cacao là nguyên liệu quan trọng trong ngành thực phẩm, có thể chế biến ra nhiều sản phẩm đa dạng. Hạt cacao là nguyên liệu chính để sản xuất socola, bao gồm sô-cô-la đen với vị đắng đậm, sô-cô-la sữa ngọt ngào và sô-cô-la trắng béo ngậy từ bơ cacao. Sau quá trình rang và ép, ta có thể thu được bơ cacao. Đây là loại chất béo tự nhiên, thành phần chính trong việc sản xuất sô-cô-la, giúp tạo ra kết cấu mịn màng và vị ngọt bùi cho sản phẩm. Với màu vàng nhạt và hương thơm dịu nhẹ của cacao, bơ cacao nổi tiếng với khả năng tan chảy ở nhiệt độ cơ thể, mang đến cảm giác sô-cô-la tan mềm mại khi ăn.

Một sản phẩm khác từ hạt cacao là bột cacao, thường được dùng để làm bánh hoặc pha chế đồ uống. Ngoài ra, cacao nibs – hạt cacao thô rang tách vỏ – giữ vị đắng tự nhiên, thường được dùng làm topping. Các sản phẩm khác như rượu cacao, siro cacao và socola nóng cũng được yêu thích nhờ hương vị đặc trưng của cacao, từ đắng đậm đến ngọt ngào và thơm béo.

Cacao: Từ nguồn gốc quý giá đến thị trường tiềm năng   - Ảnh 2

Trong lĩnh vực làm đẹp, cacao cũng là nguyên liệu đắt giá. Cacao, đặc biệt là bơ cacao, được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm nhờ khả năng dưỡng ẩm, chống lão hóa và làm dịu da. Với hàm lượng chất béo tự nhiên cao, bơ cacao cung cấp độ ẩm sâu, giúp da mềm mại và ngăn ngừa khô nẻ. Cacao cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa như polyphenol và flavonoid, giúp bảo vệ da khỏi lão hóa và tác hại của gốc tự do. Ngoài ra, bơ cacao thường có mặt trong các sản phẩm chống rạn da, tẩy tế bào chết và son dưỡng môi do khả năng làm mềm, nuôi dưỡng và tăng độ đàn hồi cho da. Các sản phẩm từ cacao còn giúp phục hồi da tổn thương, giảm kích ứng, và mang lại làn da tươi trẻ, sáng khỏe.

Ngoài ra, việc tiêu thụ bột ca cao ở mức độ vừa phải làm tăng serotonin, giúp làm dịu não và giúp cơ thể giải phóng endorphin, giúp cải thiện tâm trạng nhanh chóng. Do đó vai trò của các chế phẩm từ bột ca cao được đánh giá cao hơn trong “cuộc chiến chống trầm cảm” khi sử dụng đúng cách. 

Cacao: Từ nguồn gốc quý giá đến thị trường tiềm năng   - Ảnh 3

Cacao tại thị trường Việt Nam

Vào cuối thế kỉ XIX, cacao theo chân người phương Tây du nhập vào nước ta và phát triển đến ngày nay. Sản lượng cacao ở Việt Nam chưa cao như những nước hàng đầu thế giới nhưng nền công nghiệp này đang phát triển và có tiềm năng phát triển trong tương lai. Tại Việt Nam, cacao được trồng chủ yếu ở các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và tại các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ. Theo thống kê của Reuters, niên vụ 2023-2024, sản lượng ca cao tại Việt Nam ước đạt khoảng 1.500 tấn, giảm 25% so với vụ trước.

Theo số liệu từ Tổ chức Cacao Quốc tế (ICCO) và Ngân hàng Thế giới (WB), giá ca cao đã tăng mạnh, từ khoảng 2.300-2.500 USD/tấn lên đến 11.000 USD/tấn trong bốn tháng đầu năm 2024, gấp bốn lần so với cùng kỳ các năm trước. Sau đó, vào tháng 9/2024, giá đã giảm xuống còn 8.000 USD/tấn, nhưng vẫn cao hơn gần ba lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến thị trường ca cao toàn cầu, đồng thời mang đến cơ hội lớn cho nông dân Việt Nam.

Cacao: Từ nguồn gốc quý giá đến thị trường tiềm năng   - Ảnh 4

Tại Việt Nam, mức thu mua ca cao đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Người trồng tại các tỉnh như Bến Tre và Đắk Lắk hiện đang bán ca cao khô với giá dao động từ 150.000-160.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 210.000 đồng/kg. Với mức giá bán hiện nay, nhiều nông dân cho biết có thể lãi 200-250 triệu đồng/ha cacao, mang lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, đây lại là khó khăn trong thị trường sản xuất bánh kẹo, vì nguồn cung giảm mà giá thành lại cao dẫn đến chi phí sản xuất bị ảnh hưởng, khó có thể duy trì mức giá sản phẩm ổn định cho người tiêu dùng.

Cacao không chỉ mang lại giá trị dinh dưỡng cao mà còn có tác dụng hỗ trợ sức khỏe. Thị trường cacao Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự tăng trưởng trong sản xuất và tiêu thụ nội địa, cùng với khả năng xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Ngoài ra, các tổ chức chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong việc phát triển cây cacao, mở ra nhiều cơ hội cho ngành cây công nghiệp này trong tương lai.

Mai Hương

 

Từ khóa: