Ngày 12/11, lãnh đạo Công ty Cổ phần cảng Chân Mây cho biết, loại hình du lịch bằng tàu biển đang bắt đầu phục hồi mạnh mẽ trở lại với việc nhiều công ty du lịch đăng ký đưa khách cập cảng Chân Mây.
Trong 9 tháng năm 2023, cảng Chân Mây đã đón 12 chuyến tàu du lịch với hơn 13.000 khách. Dự kiến đến cuối năm nay, cảng sẽ đón thêm 10 chuyến tàu biển quốc tế. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ chào đón du khách quốc tế, cảng đã tích cực chuẩn bị điều kiện môi trường vệ sinh, bố trí xe đưa đón du khách thuận lợi di chuyển đến các điểm du lịch.
Cảng Chân Mây có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 DWT và tàu khách du lịch đến 225.000 GRT. Đây là cảng biển nước sâu được Hiệp hội Du lịch châu Á lựa chọn là một trong 46 cảng biển ở khu vực Đông Nam Á để xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền, tàu du lịch lớn. Cảng có lợi thế đặc biệt là cửa vịnh rộng 7 km, diện tích mặt nước lớn đến 20 km2, đa phần có độ sâu tự nhiên từ 9 - 14 m, ít bị bồi lấp...
Chính quyền Thừa Thiên Huế, thời gian qua đã quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng Chân Mây, xây dựng khu vực trưng bày và bán hàng lưu niệm, sản phẩm truyền thống; đầu tư xe hút bụi, xe xịt nước, nhà vệ sinh công cộng và trang thiết bị khác nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chào đón du khách quốc tế. Cùng với đó, triển khai nhiều dự án nghỉ dưỡng tại các bãi biển, tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí trên bờ, tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch nhằm xây dựng cảng và khu vực lân cận thành điểm đến hấp dẫn du khách, hướng đến khẳng định giá trị thương hiệu cảng Chân Mây trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.
Theo số liệu của Công ty Cổ phần cảng Chân Mây, năm 2024, các đại lý đã đăng ký tàu du lịch cập cảng là 30 lượt tàu với gần 48.000 hành khách và hơn 18.700 thuyền viên. Hiện nay, nhiều đối tác trong và ngoài nước mong muốn hợp tác để phát triển cảng Chân Mây trở thành nơi đón tàu khách hạng sang cỡ lớn ở khu vực miền Trung Việt Nam./.
Bùi Quốc Dũng