Cảng hàng không Quảng Trị sẽ được đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Sáng 22/8, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng vừa ký Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không (CHK) thuộc Dự án đầu tư xây dựng CHK Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, Dự án CHK Quảng Trị được xây dựng với tổng diện tích sử dụng đất 265,372ha (chưa bao gồm diện tích đất khu quân sự 51,2ha) tại địa bàn các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai thuộc huyện Gio Linh; trong đó diện tích đất dùng chung 177,642ha, diện tích đất khu hàng không dân dụng 87,73ha.

Mục tiêu đầu tư xây dựng CHK Quảng Trị nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội. Đồng thời, bảo đảm tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; bảo đảm QPAN của khu vực Trung Bộ nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải.

Cảng CHK Quảng Trị sẽ được đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP).  
Cảng CHK Quảng Trị sẽ được đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP).  

Dự án CHK Quảng Trị được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn CHK cấp 4C; có khả năng phát triển cho khai thác tàu bay code E; cho phép khai thác các chuyến bay quốc tế khi có nhu cầu theo quy hoạch tại Quyết định số 648 ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ và sân bay quân sự cấp II đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.

Về quy mô đầu tư xây dựng các công trình hoàn thành trước năm 2026, xây dựng các công trình cơ bản của CHK Quảng Trị đáp ứng khai thác khoảng 500.000 hành khách/năm: Xây dựng công trình khu bay, công trình đảm bảo hoạt động bay, công trình hạ tầng kỹ thuật khu mặt đất và các công trình khu phục vụ mặt đất.

Công trình khu bay xây dựng đường cất hạ cánh 2.400x45m; hai sân quay đầu bố trí tại hai đầu đường cất hạ cánh kích thước 100x20x65m; đoạn dừng (stopway) 100mx45m mỗi đầu; một đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào sân đỗ máy bay 244x15m, lề mỗi bên rộng 5m; sân đỗ máy bay đáp ứng 3 vị trí code C; hệ thống thoát nước, đường công vụ, hàng rào an ninh khu bay đồng bộ.

Công trình bảo đảm hoạt động bay xây dựng đài kiểm soát không lưu, xây dựng và lắp đặt đài DVOR/DME; xây dựng và lắp đặt đồng bộ hệ thống đèn tiếp cận chính xác CAT I đầu 22, hệ thống đèn tiếp cận đơn giản đầu 04; hệ thống tiếp cận hạ cánh chính xác ILS đầu 22; hệ thống quan trắc khí tượng tự động.

Công trình hạ tầng kỹ thuật khu mặt đất xây dựng hệ thống giao thông và bãi đỗ xe đảm bảo khai thác 500.000 hành khách/năm; xây dựng đồng bộ hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, PCCC và hệ thống đường ống thông tin liên lạc.

Công trình khu phục vụ mặt đất xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng tầng 1 (1 tầng, 1 cao trình) của nhà ga hành khách 2 cao trình theo chủ trương được duyệt đảm bảo khai thác 500.000 hành khách/năm; xây dựng trạm khẩn nguy, cứu hỏa; trạm xe kỹ thuật ngoại trường; trạm cấp điện tổng thể; trạm cấp nước; trạm xử lý nước thải; trạm thu gom rác thải.

Với quy mô như trên, chi phí đầu tư giai đoạn I của Dự án là 2.913,6 tỷ đồng bao gồm, vốn do nhà đầu tư huy động 2.680,5 tỷ đồng (vốn vay tín dụng là 2.300,5 tỷ đồng) và vốn ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư là 233,103 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư của dự án là 5.821,073 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 3.441,801 tỷ đồng, chi phí thiết bị 1.209,823 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp 5.821,073 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.091,960 tỷ đồng, vốn vay tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác 4.729,113 tỷ đồng. Nhà đầu tư đề xuất dự án là Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T.

Tiến Hoàng