Cập nhật ngành ngân hàng: Vượt qua cơn gió ngược chiều

PHS cho biết, theo số liệu BCTC các ngân hàng, thu nhập từ lãi thuần các ngân hàng niêm yết tăng trưởng 29.8% so với cùng kỳ trong ba quý đầu năm 2021, cùng với đó thu nhập ngoài lãi cũng tăng mạnh 27%. Qua đó LNST của các NHTM niêm yết tăng tới 44.7% so với cùng kỳ, bất chấp chi phí dự phòng rủi ro đã tăng 34%. Nợ xấu của toàn ngành nhìn chung chỉ tăng nhẹ từ mức 1.45% của năm 2020 lên mức 1.62% trong ba quý đầu năm 2021 nhờ vào tác động của Thông tư 01 và Thông tư 03, giúp các NHTM hoãn ghi nhận nợ xấu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo mới được cập nhật đối với ngành ngân hàng, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, tác động của dịch Covid-19 lên ngành: Tín dụng của toàn ngành ngân hàng đã bắt đầu tăng trưởng chậm trong giai đoạn 3Q2021. Trong Quý 3 vừa qua, ước tính tăng trưởng tín dụng của toàn ngành chỉ tăng thêm khoảng 2.07% so với mức 5.1% của 6 tháng đầu năm 2021.

Ngoài việc tín dụng tăng chậm, nợ xấu cũng có thể sẽ bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn tới khi nền kinh tế chịu tác động từ dịch bệnh. Theo ước tính của NHNN, nợ xấu nội bảng và tiềm ẩn của toàn ngành có thể lên mức 7.2% vào cuối năm 2021 này.

NIM sẽ co hẹp dưới tác động của dịch. Từ nửa cuối 2020 cho tới nửa đầu 2021, các NHTM đã ghi nhận hệ số NIM mở rộng mạnh mẽ nhờ vào môi trường thanh khoản dồi dào cùng lãi suất thấp, bất chấp việc đã giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên trong 3Q2021 trở đi, tác động của việc hạ lãi suất đầu vào đã không còn nhiều và chậm hơn so với việc hạ lãi suất cho vay, do đó các ngân hàng có thể phải đối mặt với áp lực cải thiện hệ số NIM trong thời gian tới.

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đưa ra khuyến nghị tích cực cho nhóm ngành ngân hàng. Theo đó, PHS kỳ vọng tín dụng sẽ tiếp tục duy trì ở mức 12-14% trong năm tới khi NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Cùng với đó, nhờ sự hỗ trợ từ NHNN, nền kinh tế mở cửa trở lại và bộ đệm vốn đã cải thiện mạnh mẽ trong thời gian qua, PHS tin rằng các NHTM sẽ có đủ thời gian và khả năng để xử lý nợ xấu hình thành do tác động của đại dịch.

Hệ số NIM trong năm 2022 có thể sẽ không có nhiều dư địa để tăng mạnh mẽ như trong năm 2021, tuy nhiên vẫn sẽ đi ngang và có sự cải thiện nhẹ đặc biệt là ở nhóm tư nhân. Do đó, PHS dự phóng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết trong danh mục phân tích có thể ghi nhận mức tăng trưởng gần 17% trong năm 2022.

Trong danh mục các ngân hàng theo dõi và phân tích, PHS đưa ra khuyến nghị tích cực hơn cả đối với 4 cổ phiếu: VCB, ACB, TCB và MBB nhờ vào hiệu quả hoạt ổn định cùng chất lượng tài sản được giữ vững.

VCB với vị thế doanh nghiệp đầu ngành cùng hiệu suất hoạt động vượt trội so với toàn ngành cùng bảng cân đối mạnh mẽ có thể giúp ngân hàng chống chịu tốt tác động của dịch bệnh. Cùng với đó là các thông tin hỗ trợ như bán vốn cho đối tác nước ngoài và hợp đồng bảo hiểm độc quyền sẽ bù đắp cho sự sụt giảm từ thu nhập lãi.

ACB là ngân hàng đang được hưởng lợi từ khẩu vị rủi ro thấp với các khoản tín dụng và trái phiếu Chính phủ tương đối an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 ảnh hưởng mạnh mẽ lên ngành.

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, đơn vị này cũng đặc biệt yêu thích TCB với mô hình kinh doanh độc đáo cùng với đó là tệp khách hàng có chất lượng cao sẽ giúp ngân hàng hoạt động ổn định trong giai đoạn này...