“Giành chính quyền đã khó. Giữ chính quyền còn khó gấp bội” nhận định của lãnh tụ V.I Lê – Nin đã thành hiện thực khi soi chiếu vào lịch sử cách mạng Việt Nam. Cách mạng tháng Tám vừa mới thành công, chưa đầy 1 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập đã phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ gần 1 thập kỷ để “Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.
Dấu mốc lịch sử ấy được xem là không tưởng với một nhà nước, bộ máy chính quyền sơ khai; lực lượng vật chất quá nhỏ bé; chỉ có tinh thần, lòng yêu nước, ý chí ngút trời “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của hàng triệu người Việt Nam làm nên sức mạnh không gì ngăn cản nổi...
Nhà nước, thời kỳ đó, với tư cách chính thể quốc gia đứng vững được là do biết dựa vào dân - sức mạnh vô cùng. Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là mục tiêu phấn đấu của nhiều thế hệ kể từ khi lập nước. Ở góc độ rộng hơn, có thể hiểu, nhà nước của quốc gia, dân tộc là cái cột trụ của đất nước. “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” là quy luật khách quan muôn đời.
Hiểu đúng vai trò của nhân dân thì nhà nước mới biết dựa vào dân; dùng kế sâu gốc bền rễ; biết chăm lo, bồi dưỡng sức dân. Nhờ thế mà dân ủng hộ, đồng lòng dựng xây vun đắp, tồn tại và phát triển bền vững. Để luận giải cho triết lý, quy luật tồn tại lịch sử ấy, ở nước ta, từ phương thức tiến hành chiến tranh, nghệ thuật quân sự đến tên gọi tổ chức bộ máy đều gắn với hai từ nhân dân.
Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, chiến tranh nhân dân, hiệu sách nhân dân; vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân quên mình; quân đội từ nhân dân mà ra vì nhân dân mà chiến đấu.
Bài học từ Cách mạng tháng Tám - giành và giữ chính quyền được nhắc nhớ và vận dụng nhiều trong thực tiễn công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Bước vào thế kỷ 21, với những chuyển động mau lẹ của thời cuộc đòi hỏi các cuộc “cách mạng” trong đổi mới tư duy và hành động. Thế giới hội nhập, thế giới phẳng, thời đại công nghệ 4.0, thời đại số… là những cụm từ quá đỗi quen thuộc với nhiều người.
Nhưng để nhận thức đầy đủ, sâu sắc về từng lĩnh vực cụ thể: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, quốc phòng - an ninh lại không đơn giản, vô cùng phức tạp. Mỗi quốc gia, dân tộc tồn tại và phát triển lệ thuộc ngày càng lớn vào thế giới chung quanh. Trái đất là của chung nhân loại, sự thịnh vượng quốc gia không hẳn chỉ dựa vào mình một cách chủ quan, duy ý chí, nhất định phải có yếu tố khách quan trong mối quan hệ đa phương với nhiều quốc gia khác mà ở đó lợi ích quốc gia, dân tộc luôn được đặt lên đầu.
Đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua đã tác động đến mức buộc mỗi quốc gia phải có cuộc cách mạng về nhận thức, tư duy, hành dộng nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững. Không thể có thế giới an toàn khi vẫn còn quốc gia có dịch. Đất nước muốn phát triển bền vững thì sức khỏe con người, cộng đồng xã hội phải đặt lên trên hết.
Theo đó, lĩnh vực tất yếu luôn được coi là cốt tử luôn là y tế và giáo dục. Nhận thức là một quá trình. Dịch covid làm thay đổi sâu sắc nhận thức của con người về thế giới hội nhập, mở cửa, đa phương, đa dạng hóa quan hệ. Về biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, về bệnh dịch mang tính toàn cầu, về tư duy biệt lập, cá thể, đề cao cái tôi, chủ quan mà quên đi quy tắc thông lệ quốc tế; quy luật nhân quả, trình độ dân trí, lối sống, văn hóa, tư duy hội nhập…
Bài học từ Cách mạng tháng Tám vô cùng phong phú đa dạng, nhưng khó có thể không nhắc đến các bài học kỹ trị và đức trị. Còn nhớ, Bác Hồ dặn: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó” Để chọn được những người đủ tài và đức tham gia hệ thống chính trị, điều hành đất nước thật không dễ. Trong “ biến cố” Covid 19, những phẩm chất này, chuẩn mực này đã bộc lộ. Đây là thử thách trong quá trình đưa đất nước, quốc gia, dân tộc vượt qua những khó khăn mang tính lịch sử, thời đại.
“Chống dịch như chống giặc” coi dịch covid như giặc ngoại xâm nên nhà nước đã huy động tổng lực sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thông quan chỉ thị, nghị quyết. Để không bị bất ngờ, chạy theo dịch phải chủ động về kịch bản, phương án đánh dịch từ xa, tấn công nhiều mũi. Trong đó phải đề cao tư tưởng “lấy sức ta mà bảo vệ cho ta”, kết hợp khai thác, tận dụng tối đa hợp tác quốc tế - sự góp sức giúp đỡ của bạn bè thế giới để sớm đẩy lui dịch. Hiện nay, vắc - xin được coi là vũ khí lợi hại, lực lượng tinh nhuệ, chủ lực, tạo nên đòn đánh quyết định covid nhưng chúng ta chưa sản xuất kịp. Vậy nên 5 K và ý thức “ mình vì mọi người, mọi người vì mình” , tinh thần đại đoàn kết dân tộc mới làm nên thế trận nhân dân trong phòng dịch. Đó là lá chắn, khiên đỡ hữu hiệu trước sự tấn công khôn lường của Covid.
Cách mạng về lĩnh vực y tế, giáo dục phải được coi là công việc hệ trọng cần làm sau dịch Covid này. Người dân không biết, không muốn tự bảo vệ mình trước nguy cơ hiện hữu của nhiều dịch bệnh khác. Hệ thống y tế, năng lực của ngành y, chất lượng giáo dục toàn diện cho con người, cộng đồng không được đầu tư, hoạt động không thực chất, kém hiệu quả rất khó ứng xử với diễn biến khó lường của cuộc sống.
Lần đầu tiên, trong những ngày tháng Tám lịch sử, cả nước ta phải tập trung mọi nguồn lực để chống dịch - loại “giặc” mới đang uy hiếp đời sống của đất nước như giặc ngoại xâm năm nào. Nói ít làm nhiều, đặt tính mạng và sức khỏe người dân là trung tâm, hàng đầu là chỉ đạo và thông điệp mà Chính phủ luôn nhắc nhớ, khẳng định, quyết liệt hành động. Phải chăng sớm đẩy lui dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên là hành động thiết thực kỷ niệm những sự kiện lịch sử trong những ngày tháng Tám lịch sử...