Cụm từ ấy được xem như nội hàm của nghệ thuật giữ nước có từ hàng nghìn năm lịch sử. Dân tộc ta đã trải qua nhiều thập kỷ tiến hành các loại hình chiến tranh từ thời kỳ phong kiến đến hiện đại, theo đó, nền nghệ thuật quân sự giàu bản sắc Việt Nam đã định hình với tư duy chiến lược “Từ đời xưa, làm chính trị giữ nước, nghĩ đến xa về sau đều làm trước từ lúc thái bình vô sự. Cho nên lo việc khó từ lúc đó còn lo làm việc to từ lúc còn nhỏ. Cảnh giới vô sự như con chim sửa tổ từ lúc trời chưa mưa. Điều ấy là việc các vua hiền vẫn chú ý lắm” (Đại Nam Thực Lục. Chính sử Triều Nguyễn thế kỷ 19, tập 5, trang 683)
Giữ nước từ sớm, từ xa, trước khi bị lâm nguy thể hiện tư tưởng chủ động, tích cực để không rơi vào tình huống phòng ngự bị động. Muốn chủ động để không bị bất ngờ phải có sự chuẩn bị kỹ càng, toàn diện, dài lâu: dự kiến các tình huống, lập thế trận, tổ chức lực lượng, phòng thủ từ xa. Cụm từ “ngụ binh ư nông”, “khoan thư sức dân” được xem là kế sách chống giặc thời phong kiến. Thời hiện đại, là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng ba thứ quân, trong đó có tổ chức lực lượng dự bị động viên, thường xuyên diễn tập phòng thủ khu vực, trên không, trên biển. Kết hợp kinh tế với quốc phòng là nguyên tắc, trong đó đặc biệt quan tâm tư duy “lưỡng dụng” của nền công nghiệp quân sự, quốc phòng. Có thực mới vực được đạo, phải có tiềm lực kinh tế mới bàn đến thực lực quân sự, quốc phòng, an ninh.
Chiến tranh hiện đại luôn cần công nghệ tiên tiến, vượt trội đủ sức răn đe, áp đặt thế trận. Các cuộc xung đột quân sự khu vực hiện nay làm thay đổi tư duy chiến tranh, quân sự của nhiều quốc gia tham chiến. Nguy cơ xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ có thể xảy ra với không ít quốc gia bất cứ lúc nào. Ngỡ tưởng thế kỷ 21 là thế kỷ của hòa bình, phát triển thịnh vượng nhưng thực tế lại trái ngược. Cùng với biến đổi khí hậu toàn cầu, bệnh dịch mới gia tăng… tác động mạnh mẽ đến đời sống con người; phát sinh mâu thuẫn lớn, nhỏ giữa một số quốc gia vì nhiều nguyên do làm đảo lộn, thay đổi tính chất mối quan hệ vốn cởi mở, chân thành vô tư sang dè dặt, cảnh giác, giữ thế thủ thậm chí đối đầu.
Loại trừ nguy cơ có thể dẫn đến chiến tranh được xem là thượng sách giữ nước. Chiến tranh luôn là hạ sách. Thượng sách giữ nước là giữ vững hòa bình ổn định, hóa giải thành công mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột; thêm bạn bớt thù. Vì thế, hơn bao giờ hết chính sách đối ngoại trong đó có đối ngoại quân sự, quốc phòng được xem là phương thức căn bản, hữu dụng. Tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều tình huống khó lường. Làm thế nào ứng xử khôn ngoan phù hợp với các tình huống đó là câu hỏi thường trực đối với công tác đối ngoại, hoạt động đối ngoại. Chủ động trước mọi tình huống với việc chuẩn bị kỹ càng chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Chuẩn bị từ sớm, từ xa trở thành nguyên tắc bắt buộc nếu không muốn bị bất ngờ, rơi vào trạng thái bị động, lúng túng và mắc sai lầm.
Cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới” thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về lãnh đạo, chỉ đạo đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước gắn với bảo vệ hòa bình. Kế thừa phát huy truyền thống của cha ông “dựng nước đi đôi với giữ nước, giữ nước từ khi nước chưa nguy” đồng thời chuẩn bị nhiều giải pháp ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xây dựng, bảo vệ và giữ vững hòa bình ổn định đất nước. Hội nghị TƯ 8 (khóa XIII) đã ban hành nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới thể hiện đầy đủ tư tưởng chủ động chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực với những diễn biến phức tạp khó lường, Việt Nam lựa chọn phương thức nào để bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do luôn là thách thức mang tính sống còn. Những năm qua, Đảng ta kiên định phương châm xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, triết lý “ngoại giao cây tre”. Thực túc binh cường, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang từng bước tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại phụ thuộc nhiều vào tiềm lực kinh tế.
Trong bộn bề khó khăn, Đảng Nhà nước trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, phân tích tình hình trong và ngoài nước để chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang đủ sức mạnh quốc phòng, quân sự, an ninh nhằm giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo vệ chế độ XHCN. Trong đó, đặc biệt chú trọng chất lượng cán bộ, chiến sĩ trong LLVT như giữ vững bản chất “bộ đội Cụ Hồ”.
Phẩm chất chính trị thể hiện ở việc trung thành với lý tưởng của Đảng, Tổ quốc, nhân dân; là nguyên tắc cốt lõi để hình thành đội quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Con người luôn là yếu tố quyết định thành bại của chiến tranh. Đường lối quân sự của Đảng thể hiện trong các bài nói, bài viết của người đứng đầu Đảng ta là tập trung xây dựng quốc phòng với trang bị vũ khí hiện đại, làm chủ công nghệ chiến tranh, bản lĩnh chính trị vững vàng. Tiếp tục xây dựng bồi đắp nền NTQSVN độc đáo, kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, dựa trên tinh thần “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo” đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Thượng sách giữ nước là loại trừ, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Vì thế, hoạt động đối ngoại của Đảng, đối ngoại quốc phòng luôn bám sát chủ trương chiến lược ấy. Việt Nam đã thực sự tham gia có trách nhiệm với hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thập kỷ lầm than, nô lệ, luôn khát khao cháy bỏng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Củng cố tiềm lực quân sự, quốc phòng nhằm tự vệ, ngăn ngừa chiến tranh.
Kể từ khi đất nước ta thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do, mọi người dân được sống trong hòa bình, an nhiên, hạnh phúc nhưng không thể quên những năm tháng chiến tranh, nhiều thế hệ hy sinh xương máu để giành và giữ nền độc lập. Là lực lượng nòng cốt, QĐNDVN luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy bởi vì họ luôn trung thành với lời thề “Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”,
VĂN HÙNG