Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (đường 19) tỉnh Gia Lai được thành lập theo Quyết định số 139/2001/QĐ-TTg ngày 21/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ, gồm các xã: Ia Kla, Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom và thị trấn Chư Ty, với tổng diện tích tự nhiên 41.860 ha, dân số khoảng 27.700 người, chiếm 58,3% diện tích, 50% dân số toàn huyện Đức Cơ. Cửa khẩu Lệ Thanh được nâng cấp từ Cửa khẩu quốc gia lên Cửa khẩu quốc tế theo Quyết định 306/QĐ-TTg ngày 13/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Khu trung tâm cửa khẩu được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2009 với diện tích 155,12 ha (diện tích đã chuyển đổi mục đích là 87,18 ha, chiếm 56,2% diện tích quy hoạch (giao cho Ban Quản lý 81 ha, giao cho Đồn Biên phòng 6,18 ha); diện tích đất quy hoạch để giao, cho thuê là 45,24 ha, trong đó, diện tích đã giao cho thuê 38,04 ha). Khu công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2009 với diện tích 210,1 ha, trong đó, diện tích đã chuyển đổi mục đích và giao cho Ban Quản lý là 37,2 ha (chiếm 17,7% diện tích quy hoạch), đất chưa chuyển đổi là 172,9 ha (chiếm 82,3% diện tích quy hoạch).
Là địa bàn biên giới có xuất phát điểm kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng thiếu và không đồng bộ. Song nhờ sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo sâu sát và kịp thời của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các cấp chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ngành, đầu tư Khu kinh tế Cửa khẩu bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Tình hình an ninh tại Khu kinh tế được củng cố và giữ vững. Kim ngạch xuất nhập khẩu và số lượt người xuất nhập cảnh năm sau cao hơn năm trước; hoạt động thương mại biên giới dần hình thành và đi vào nề nếp; hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông, điện, nước sinh hoạt, chợ Cửa khẩu và bãi đỗ xe được đầu tư xây dựng góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng tại Cửa khẩu. Với vị trí địa chính trị quan trọng thuộc khu tam giác phát triển Việt Nam- Lào - Campuchia, cách thành phố Pleiku 72 km, huyện Đức Cơ 23 km, huyện Ojadao 30 km và thành phố Bun Lung - tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) 75 km, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được Chính phủ 3 nước Việt Nam – Lào - Campuchia đặc biệt quan tâm.
Tổng kim ngạch Xuất nhập khẩu trong Quý I/2024
Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước trong quý I/2024 là: 26.375.396.691 đồng (trong đó tại Chi cục: 2.411.144.986 đồng; tại Đội NVHQ Pleiku đạt: 23.964.251.705 đồng), đạt 52,7% so với chỉ tiêu giao năm 2024 trên địa bàn tỉnh Gia Lai là 50 tỷ đồng.
Tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh kim ngạch đạt: 47,97 triệu USD tăng 105,35 % so với cùng kỳ năm trước (23,36 triệu USD). Ước kim tổng kim ngạch XNK đến ngày 31/03/2024 đạt: 68,30 triệu USD, trong đó: Nhập khẩu: 35,47 triệu USD tăng 187,7 % so với năm trước (12,33 triệu USD) mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là cao su định chuẩn kĩ thuật và hạt điều nhập khẩu, củ sắn tươi, quả xoài tươi, sắn lát (khô, tươi). Ước kim ngạch nhập khẩu đến ngày 31/03/2024 đạt: 41,50 triệu USD. Xuất khẩu: 12,50 triệu USD tăng 10 % so với cùng kỳ năm trước (11,32 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Kết cấu thép, nhà ở công nhân (nhà tiền chế), phân bón, năng lượng điện, thùng carton, hàng bách hóa, vật tư nông nghiệp, bột đá vôi, đồ nội thất bằng thép, thuốc thú y, ô tô tải. Ước kim ngạch xuất khẩu đến ngày 31/03/2024 đạt: 14,50 triệu USD. Nhập khẩu quá cảnh phát sinh 220 bộ tờ khai giảm 297 bộ TK so với cùng kỳ năm 2023 (517 bộ TK), số lượng 638 container giảm 1.055 container so với cùng kỳ năm 2023 (1.693 container), trị giá: 5,63 triệu USD giảm 72% so với cùng kỳ năm 2023 (trị giá 16,73 triệu USD), hàng hóa quá cảnh chủ yếu là mặt hàng quả chuối tươi, cao su, tinh bột sắn.
Phương tiện vận tải, hành khách xuất nhập cảnh và chống buôn lậu
Phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh chủ yếu là vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Hành khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu chủ yếu là người lao động Việt Nam làm việc tại các dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trồng trọt và chăn nuôi tại Campuchia và hành khách Campuchia nhập cảnh để khám chữa bệnh tại Việt Nam. Trong quý I/2024, phương tiện xuất nhập cảnh 3.670 lượt giảm 11,6 % so với cùng kỳ năm trước (4.151 lượt); hành khách xuất nhập cảnh 26.530 lượt tăng 24,2 % so với cùng kỳ năm trước (21.365 lượt).
Tại địa bàn đơn vị quản lý không phải là điểm nóng về buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tuy nhiên nhằm phát hiện và ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Chi cục đã thường xuyên phổ biến và tuyên truyền pháp luật về hải quan cho người dân khu cửa khẩu không buôn lậu, không tiếp tay, không vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Thường xuyên triển khai cho CBCC tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các PTVT làm thủ tục XNC, hàng hóa XNK, soi chiếu hành lý của hành khách XNC, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn. Qua đó xử lý vi phạm pháp luật hải quan trong quý I/2024: Tại đơn vị phát sinh 04 vụ vi phạm hành chính tăng 02 vụ so với cùng kỳ năm 2023 (2 vụ), phạt tiền: 16.125.000 đồng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023 (14.850.000 đồng).
Công tác thu thập xử lý thông tin, quản lý rủi ro thông quan
Lãnh đạo đơn vị thường xuyên quán triệt đến toàn thể CBCC trong đơn vị thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của TCHQ, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum về công tác thu thập xử lý thông tin và QLRR.. Đến 15/03/2023, đơn vị đã thực hiện thu thập, cập nhập thông tin 10 doanh nghiệp theo Kế hoạch đạt 25,6% chỉ tiêu giao 31 doanh nghiệp; 01 doanh nghiệp thường xuyên. Phân luồng: 862 tờ khai: Chi cục đã thực hiện chuyển luồng 10 tờ khai theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.
Thủ tục thông quan, đơn vị đã phân công CBCC theo dõi, rà soát các hồ sơ có dấu hiệu vi phạm về trị giá, thuế suất, xuất xứ để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định. Thực hiện thu thập thông tin rủi ro và đề xuất kiểm tra sau thông quan đối với 01 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng Quả xoài tươi có trị giá khai báo thấp hơn 50% trở lên khai báo theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có rủi ro về trị giá Ban hành kèm theo quyết định số 2426/QĐ-TCHQ ngày 29/9/2023 của Tổng cục Hải quan.
Hiện nay, tất cả đều đã trải qua các lớp đào tạo về nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học và ngoại ngữ; bên cạnh đó là việc tăng cường đội ngũ nhân sự ngày càng hoàn thiện, trẻ hóa, nhờ đó chất lượng đội ngũ CBCC có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từng bước được nâng cao lên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, khách hàng tuân thủ pháp luật về hải quan; công tác tư vấn, giải đáp vướng mắc về thủ tục hải quan, chính sách thuế... đã được Chi cục duy trì thường xuyên qua mỗi lần quan hệ và giải quyết công việc.
Lãnh đạo chi cục hải quan cửa khẩu luôn phát động phong trào thi đua hàng năm, xây dựng kế hoạch mục tiêu chất lượng trong năm. Triển khai thực hiện chương trình công tác trọng tâm năm 2024 của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Thực hiện Chương trình tặng quà “Xuân biên giới năm 2024” tại địa bàn xã Ianan, huyện Đức Cơ. Kiện toàn nhân sự các Đội, sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho CBCC tại đơn vị, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình công tác.