Để hiểu rõ hơn về những khó khăn của các doanh nghiệp trong Chi hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Thân Văn Sửu - Phó Chủ tịch Chi hội chè Lâm Đồng, Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp sản xuất thương mại SVTN.
Phóng viên: Là Chủ tịch Chi hội SVTN, ông có thể cho biết định hướng hoạt động của Chi hội?
Ông Thân Văn Sửu: Mặc dù thành lập chưa lâu, nhưng Chi hội SVTN luôn mong muốn lan tỏa “hương sắc” đặc trưng của mình đến Nhân dân, du khách, doanh nghiệp… để tìm kiếm những cơ hội kết nối mới, những đối tác chân thành, mang đến giá trị cho cả hai bên để cùng “Hữu xạ tự nhiên hương”.
Ngay sau khi thành lập, Chi hội đã mang sản phẩm tham dự Hội chợ đặc sản vùng miền 2020 và Hội nghị “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam”, tạo ấn tượng sâu đậm với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân, du khách tại Thủ đô Hà Nội bởi sự độc đáo, hữu ích và chất lượng.
Các doanh nghiệp trong Chi hội đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhưng có tác động sâu sắc về hiệu quả xã hội và hình ảnh của chính mình, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen, được đánh giá tốt về sản phẩm. Định hướng hoạt động của Chi hội SVTN là quảng bá hình ảnh, xúc tiến và làm thương hiệu cho các doanh nghiệp gắn liền với văn hóa cộng đồng để cùng nhau tham gia vào các thị trường lớn, như siêu thị trong và ngoài nước…
Phóng viên: Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong Chi hội đã gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?
Ông Thân Văn Sửu: Đối với Chi hội SVTN, đại dịch Covid-19 đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Chi hội gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu, du lịch dịch vụ, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động. Do hàng loạt các chi phí đầu vào tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoặc phải tạm dừng để thực hiện công tác phòng chống dịch theo quy định của phương.
Mặt khác, các hội viên chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho nên tiềm lực về tài chính, năng lực hoạt động cũng còn hạn chế, tái cơ cấu hoạt động trong tình hình mới hiện nay gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Các mặt hàng, sản phẩm chủ lực cực kỳ khó khăn như: Trà, cà phê, tơ lụa và các mặt hàng khác.
Trong bối cảnh tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới, chiến tranh ở Trung Đông, Pakistan, Afghanistan đã ảnh hưởng đến cả nước nói chung và ngành chè Lâm Đồng nói riêng. Trong đó, đáng chú ý là sản lượng chè xuất khẩu giảm cả về số lượng và giảm cả giá, chè xanh tiêu thụ chậm, chè tiêu thụ trong nước giảm, trong khi đó giá vật tư phục vụ sản xuất và tiêu dùng tăng, đời sống người làm chè, chế biến chè và thương mại đều gặp nhiều khó khăn, một số đơn vị dừng sản xuất, thua lỗ.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các công ty chè Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần kinh doanh đa ngành, tình hình dịch bệnh Covid-19 năm 2020, 2021 đã làm sản xuất chè bị đình trệ, giao thương xuất khẩu chè gặp rất nhiều khó khăn.
Phóng viên: Để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, Chi hội đã có đề xuất tỉnh các chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… ra sao?
Ông Thân Văn Sửu: Để khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong Chi hội mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp vay, giãn các khoản đang vay để có đủ nguồn vốn xoay vòng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, tại địa phương, các doanh nghiệp của Chi hội rất mong được giảm các khoản doanh nghiệp đang phải đóng. Đối với các Bộ, Ngành Trung ương và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, đề nghị có phương án bình ổn giá cước vận tải biển.
Mới đây, Chi hội đã có buổi làm việc với tổ công tác đặc biệt của tỉnh Lâm Đồng, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh ủy, UBND, HĐND thành phố đã lắng nghe và đánh giá cao sự sáng tạo, mạnh mẽ và bản lĩnh của các doanh nghiệp, đặc biệt là chủ các doanh nghiệp tư nhân. Nhìn chung tất cả chỉ số về phát triển kinh tế đều tăng, giải quyết được công ăn việc làm tương đối ổn định.
Các doanh nghiệp trong Chi hội mong muốn trong thời gian tới tỉnh sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, chia sẻ, cố gắng vượt sóng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc tỉnh Lâm Đồng nói chung, Chi hội SVTN nói riêng.
Phóng viên: Được biết, các doanh nghiệp trong Chi hội đã chủ động thích ứng với "trạng thái bình thường mới" để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Ông có thể chia sẻ câu chuyện của doanh nghiệp trong quá trình thích ứng này?
Ông Thân Văn Sửu: Ngay từ những tháng đầu năm đại dịch Covid-19 bùng nổ gây rất nhiều thiệt hại về vật chất và khó khăn cho nền kinh tế và các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước nói chung và địa phương tỉnh Lâm Đồng nói riêng, trong đó các doanh nghiệp trong Chi hội cũng chịu ảnh hưởng và gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động.
Ảnh hưởng dịch bệnh gây áp lực đối với hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp của Chi hội, nhưng các doanh nghiệp vẫn luôn cố gắng hết sức để giữ nhịp độ sản xuất và đời sống của nhân viên. Doanh nghiệp vận dụng linh hoạt các nguồn lực sẵn có cũng như các nguồn lực bên ngoài. Cố gắng duy trì sản xuất, tìm các bạn hàng mới để xuất hàng. Duy trì nguồn thu từ đó duy trì hoạt động, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế. Tiết giảm các khoản chi phí không thực sự cần thiết nhằm đảm bảo chế độ tiền lương cho người lao động.
Mặc dù gặp phải khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng các Doanh nghiệp trong Chi hội vẫn đạt được những thành tích tiêu biểu, điển hình như: Doanh nghiệp Lụa Hà Bảo, công ty TNHH Phong Giang, công ty TNHH sản xuất thương mại Hồng Ân...
Theo đó, cơ cấu các sản lượng của toàn tỉnh không có nhiều thay đổi: Chè đen chiếm 22%, chè xanh chiếm 35%, chè Oolong chiếm 10%, còn lại chè ướp hương các loại 33%. Toàn tỉnh Lâm Đồng có số lượng chè xuất khẩu (năm 2016 đến năm 2021) xếp thứ 5 so với 268 đơn vị xuất khẩu chè của cả nước.
Bên cạnh đó Chi hội chè Lâm Đồng đã tích cực làm việc, thông tin kịp thời về yêu cầu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Châu Âu, Mỹ, Đài Loan với các cơ quan hữu quan để tăng cường quản lý, khuyến cáo và kịp thời giải quyết nhờ đó trong các năm qua xuất khẩu và tiêu thụ chè tỉnh Lâm Đồng được thuận lợi.
Tổ chức thành công Lễ hội trà hai năm một lần, tổ chức lễ hội theo hình thức xã hội hóa được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, nhân dân hưởng ứng tích cực, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với ngành trà của tỉnh nhà.
Chi hội cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xác nhận một số doanh nghiệp chè tại tỉnh Lâm Đồng đủ điều kiện xuất khẩu chè theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Đã tham gia các Hội nghị, hội thảo, đối thoại được UBND tỉnh và các sở ngành triệu tập, đã tham gia nhiều ý kiến để tháo gỡ khó khăn cho ngành chè. Ban Chấp hành chi hội luôn giữ mối quan hệ với các hội viên và tận tình với công việc khi hội viên yêu cầu.
Trước thềm năm mới Xuân Nhâm Dần, tôi xin chúc Doanh nghiệp, bạn đọc khỏe mạnh, phát triển.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
An Dinh