Chia sẻ tại toạ đàm “Định hướng mới thời kỳ hậu COVID-19” do Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ tổ chức ngày 5/5, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhắc đến sự nguy hiểm của ba loại virus: “virus” gây COVID-19, “virus” sợ hãi và “virus” tiêu dùng tối thiểu đang bóp chặt chi tiêu của người dân.
Đầu tiên, đó là virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19. Ông Bình cho rằng, đây tuy là một loại virus rất bé nhưng biến đổi khá nhanh nên chúng ta kiểu gì cũng gặp lại và có thể phải chấp nhận miễn nhiễm cộng đồng, tức là 60% dân số phơi nhiễm rồi mới miễn nhiễm. Lúc ấy mới có hậu COVID.
Chủ tịch FPT nói thêm, Việt Nam đã rất thành công trong giai đoạn vừa rồi, nhưng khi chưa có vaccine hay miễn nhiễm thì dịch sẽ bùng phát và Việt Nam khó tránh khỏi, vấn đề là thời gian.
Virus thứ hai là virus sợ hãi và virus này rất dễ lan truyền, nhất là trong thời đại internet bùng nổ như hiện nay. "Hôm nay chúng ta vui nhưng ngày mai có một người chết thì virus sợ hãi sẽ khiến chúng ta co rúm lại. Và chúng ta không biết xử lý như thế nào", ông nói.
Loại virus thứ ba là tiêu dùng tối thiểu. "Chúng ta đã trải qua thời kỳ đẹp đẽ 2019, chúng ta cảm giác cuộc đời tươi đẹp, tăng trưởng tốt. Làm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu, tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, khi dịch xảy ra, nhìn những hàng dài đứng trước ATM gạo, chúng ta có thể thấy nhu cầu tiêu dùng co rút lại vào tối thiểu. Điều này đang xảy ra trên quy mô toàn cầu. Khi nhu cầu rút vào tối thiểu thì rất khó để xây dựng nền kinh tế. Nước Mỹ trở thành cường quốc cũng nhờ người dân sẵn sàng vay để tiêu", theo nhìn nhận của ông Bình.
Chủ tịch FPT nhấn mạnh, loại virus thứ hai và thứ ba có thể kéo dài 3-5 năm nên các doanh nghiệp đang đứng trước tình huống nguy nan và không biết ứng phó như thế nào.
Chính vì vậy, ông Bình cho rằng lúc này doanh nghiệp phải chiến đấu trên cả 3 mặt trận: Chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp và chống thất nghiệp.
Bên cạnh đó, lãnh đạo FPT cũng nhấn mạnh rằng dịch COVID-19 là một cú hích đẩy thế giới thay đổi nhanh và không thể quay về vị trí cũ.
"Nếu Việt Nam nghĩ về một tương lai mới và tập trung xây dựng tương lai mới đó, sau vài năm thắt lưng buộc bụng thì có thể bung ra. Lúc ấy, doanh nghiệp Việt Nam đã là một đẳng khác”, ông Trương Gia Bình nhận định.
Ngoài ra, ông Bình cũng kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế và thất nghiệp để chỉ đạo sẽ đưa ra các quyết sách đặc thù.
Nhật Huỳnh
Theo Nhà đầu tư