Phát biểu tại chương trình, chị Nguyễn Thị Thu Vân, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn cho biết, thời gian qua tổ chức Đoàn đã tổ chức các hoạt động tôn vinh, tìm kiếm, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trong đoàn viên, sinh viên, thanh niên nông thôn.
Cuộc thi là hoạt động thiết thực nhằm cổ vũ, khuyến khích, định hướng và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế khu vực nông thôn của thanh niên và tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế, tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc, kể từ khi triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc nhiệm kỳ 2017 – 2022, các cơ sở Đoàn đã tổ chức được 1453 cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, thu hút tổng cộng hơn 223.000 lượt thanh niên tham gia. Các cuộc thi đã góp phần sàng lọc ra các dự án, ý tưởng khởi nghiệp có chất lượng, phù hợp để triển khai trong thực tiễn. Các cuộc thi nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo các thành phần thanh niên khởi nghiệp; các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư khởi nghiệp.
“Đồng thời mỗi cuộc thi đều được lồng ghép với các hoạt động kết nối đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn xã hội hóa cho các dự án khởi nghiệp đạt thành tích cao; tạo điều kiện cho thanh niên là chủ các dự án khởi nghiệp tiêu biểu tham quan, học hỏi từ các mô hình khởi nghiệp thành công”, chị Vân nói.
Sau hơn 4 tháng triển khai, Cuộc thi đã nhận được 446 hồ sơ tham gia tranh tài từ khắp cả nước gửi tham dự. Ban tổ chức đã chọn ra 135 dự án tiêu biểu lọt vào bán kết theo 3 khu vực Bắc-Trung-Nam tại tỉnh Hà Nam và các thành phố Khánh Hòa, Cần Thơ.
Trong đó, vòng bán kết của Cuộc thi ở khu vực miền trung có sự góp mặt của 41 dự án. Dự kiến, vòng chung kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023 sẽ diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng vào tháng 10.
Một số dự án khởi nghiệp tiêu biểu như: Dược liệu thất diệp nhất chi hoa trồng dưới tán rừng (của Y Chăm từ Kon Tum); Phát triển mô hình nuôi trùn quế xử lý chất thảy rác chăn nuôi (của Phạm Văn Tuấn từ Đắk Lắk); Làm kinh tế cộng đồng từ cây nho không hạt (của Bùi Minh Yến và Tống Minh Hoàng từ Ninh Thuận); Mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng GC Plus 2023 (của Lê Minh Vương từ Ninh Thuận); Ứng dụng nghiên cứu nước trong thân cây chuối hột làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (của Trần Minh Toàn từ Đà Nẵng)…
Hoàng Nhung