ĐẲNG CẤP BỐN LOÀI HOA

Hàng triệu năm trước, tạo hóa đã ưu ái ban cho nhân loại một hành tinh để quần cư và còn gieo mầm vô vàn loài hoa muôn sắc, muôn hương để nhân loại có niềm vui và niềm hy vọng, do đó mới có câu “Thiên tải Địa phú” (Trời che, Đất chở) và câu “Xuân hoa, Thu nguyệt” (Hoa mùa Xuân, Trăng mùa Thu) là hai thứ siêu phàm tuyệt đích để con người được chiêm ngưỡng và được nâng cánh bay cao, bay xa.

Riêng về hoa đã có vô số loài, vô cùng phong phú và đa dạng, không bút nào tả xiết. Trong đó, phải kể đến bốn loài ở đẳng cấp cao nhất đó là hoa Nguyệt quế, hoa Lan, hoa Sen và hoa Cúc.

Hoa Nguyệt quế

Hoa Nguyệt quế không những nổi tiếng về hương thơm mà còn có vẻ đẹp thanh cao, trang trọng, ngay cả những cuốn sách chỉ dẫn thực vật khô khan cũng phải gọi đây là loài hoa cao quý và mỹ lệ.

Từ thời thượng cổ, Nguyệt quế đã tượng trưng cho thành tích và chiến công dành được bằng tinh thần dũng cảm và sức lao động.

Nguyệt quế mọc san sát ở ven bờ Địa Trung Hải và làm kinh ngạc mọi người về vẻ đẹp kiêu hãnh cũng như sự uy nghi của nó. Người xưa thường đặt lên đầu các vị Thống soái lập được chiến tích vĩ đại một vòng Nguyệt quế.

Đối với các Tướng lĩnh La Mã cần có hai sự khen thưởng là Nghi lễ Khải hoàn và Công chúng hoan hô – Hình thức thứ nhất là phần thưởng cao giành cho những vị Tướng cầm quân có công mở rộng lãnh thổ quốc gia và đã tiêu diệt được ít nhất 5 nghìn địch. Vị Tướng đó được đi qua Khải hoàn môn, đầu đội vòng Nguyệt quế, đứng trên xe dát vàng do 4 ngựa bạch kéo, phía trước là xe chiến lợi phẩm và đoàn tù binh, xung quanh là các nhạc công và ca sĩ trình diễn. Suốt dọc đường có công chúng tụ họp reo hò, hoan nghênh.

Vòng Nguyệt quế cũng được dùng làm phần thưởng cho người chiến thắng trên đấu trường giữa những đấu sĩ.

Ở Hy Lạp cổ, việc trao tặng vòng Nguyệt quế thường không gắn với đổ máu mà gắn với những thành tích thể thao. Người thắng trong các cuộc thi đấu ở Pi Nhít được thưởng vòng Nguyệt quế. Người chiến thắng ở các cuộc thi Olimpic được thưởng vòng Oliu và từ đấy Oliu tượng trưng cho thi đấu hòa bình, không đổ máu. Còn những vòng Nguyệt quế do các em nhỏ cắt tỉa bằng một lưỡi dao vàng và đan kết trên mặt bàn bằng ngà voi chạm bạc. Truyền lệnh sứ gọi tên những người thắng cuộc và đặt vòng Nguyệt quế lên đầu họ. Người nhận được vòng Nguyệt quế được coi là người có hạnh phúc tột đỉnh và vinh quang vẻ vang vô cùng.

Thời cận đại, trong thế vận hội 15 ở Hen xanh ky, Giô Dép Béc Ten đã vô địch trong cuộc chạy 1500m, là vận động viên duy nhất của Luých Xăm Bua nhỏ bé tham gia đại hội lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội. Lá cờ của tổ quốc anh được kéo lên và đội nhạc đã cử Quốc thiều đất nước anh. Béc Ten quá xúc động vì niềm hạnh phúc lớn lao, anh gục xuống bục danh dự và khóc nức nở, hàng vạn khán giả từ khắp các nước trên thế giới đã đứng dậy, cả sân vận động rộng lớn vang lên tiếng hoan hô bẳng đủ mọi thứ ngôn ngữ. Những vận động viên bị anh vượt qua đều vây lấy anh để chúc mừng, họ kiệu anh lên và diễu qua khán đài. Trên đầu nhà vô địch được đội một vòng hoa Nguyệt quế vinh quang và vẻ vang. Vòng Nguyệt quế là niềm hy vọng và ước mơ của bao thế hệ vận động viên và là sức mạnh, là điểm tựa tinh thần, động viên, thôi thúc họ mãi mãi vươn lên, giữ vững niềm tin ở chính mình, chiến thắng chính mình và tiềm năng của con người là vô cùng vô tận và rằng với loài người thì mọi cái chỉ là “chưa làm được” không phải là “không làm được”. Phương Đông có học thuyết “Tam tài giả - Thiên - Địa - Nhân”, coi con người ngang với Trời Đất. Phương Tây có câu “Mỗi con người là một thế giới phong phú và bí mật. Dưới mỗi tấm bia đá được chôn cất cả vũ trụ” (lời thơ của Hai Nơ – Nhà thơ Đức), coi con người ngang với vũ trụ. Như vậy cái lớn, cái vĩ mô là do nhiều cái nhỏ, cái vi mô hợp thành và “Nhỏ cũng không trong, lớn cũng không ngoài”. Các kỷ lục quốc gia và quốc tế luôn bị xô ngã và vượt qua là vậy, người năm nay có thành tích cao hơn, xa hơn, nhanh hơn và có thể sẽ trở thành “cũ, cựu” vì năm sau sẽ bị vượt qua.

Hoa Nguyệt Quế Hy Lạp
Hoa Nguyệt Quế Hy Lạp

Hoa Lan

Phương Đông ca tụng Lan là “Vương giả chi hoa”, người Phương Tây lại coi Lan là Nữ hoàng của các loài hoa. Trong thế giới của các loài hoa thì không có loài hoa nào phong phú, tuyệt vời sánh được với hoa Lan, vì có loại cao tới vài chục mét, lại có loại nhỏ li ti như đám rêu, với sự đa dạng và lạ lùng về kích cỡ, có những tràng hoa dài tới hai, ba mét. Màu sắc của hoa Lan thì đã đạt tới độ siêu phàm, dù là họa sĩ thiên tài thì cũng không tài nào mô tả nổi những gam màu kỳ bí của hoa Lan. Riêng chuyện gọi đúng màu của hoa cũng đã là một khó khăn ghê gớm đối với người yêu hoa Lan. Tuy nhiên để đạt tới đẳng cấp vương giả, nữ hoàng của các loài hoa thì hương thơm và cái thần của hoa Lan mới có ý nghĩa quyết định.

Nguồn gốc của hoa Lan chính là Lan rừng. Ở Việt Nam, Lan được phân bố rộng rãi khắp cả nước, từ những đỉnh núi mù sương quanh năm mây phủ đến những vùng biển rực rỡ nắng vàng, từ những khu rừng “ẩm thường xanh” đến các “rừng hộp” ở Tây nguyên.

Lan có thể sống ở các khe suối quanh năm nước chảy hay cheo leo trên những ngọn cây cao tới ba, bốn chục mét.

Lan có rất nhiều chủng loại. Riêng số chi đã có khoảng 125 chi, Việt Nam là một trong những xứ sở hương thơm của hàng ngàn loài hoa mà đứng đầu là hương Lan, cần hết sức nâng niu, giữ gìn để đất nước ta mãi mãi là một vườn hoa vĩ đại và ngát hương.

Từ ngàn xưa, hoa Lan và con người có mối quan hệ đặc biệt. Lan là biểu trưng cho vẻ đẹp thanh cao của tâm hồn. Cách đây trên hai ngàn năm, vào thời Chiến quốc ở Trung Hoa, một trung thần nước Sở và đồng thời cũng là một nhà thơ đã sáng tác tập thơ có nhan đề “ly tao” là một kiệt tác trong lịch sử văn học Trung Quốc. Sau vì can ngăn vua Sở không được và bị bọn gian thần gièm pha nên ông đã phẫn chí gieo mình xuống sông Mịch La và mang trên cổ vòng hoa Lan bất tử. Ông ngửa mặt nhìn Trời và than:

Ôi !  Chúng nhân giai túy duy ngã độc tinh

    Chúng nhân giai trọc duy ngã độc thanh

  Ôi !  Thương thay! Mọi người đều say chỉ mình ta tỉnh

    Mọi người đều đục chỉ mình ta là trong.

Kể từ ngày ấy hoa Lan cũng nổi tiếng vì vẻ đẹp sang trọng vô song và là biểu hiện của lòng chính trực và sự thanh cao tuyệt vời, vô bờ bến của con người.

Cũng từ ngày tháng ấy (mồng 5 thàng 5 âm lịch), người nước Sở tổ chức lễ đua thuyền có dụng ý là để vớt thi thể Khuất Nguyên và hoa Lan, từ đó về sau thành ra Tết Đoan Dương, còn gọi là Đoan Ngọ hoặc Trùng Ngũ. Ở một vài nước Phương Đông, trong đó có Việt Nam, cũng cử hành Tết Đoan Ngọ với những ý nghĩa riêng gắn với đời sống tâm linh và đời sống thường nhật, thiết thực.

Lan Hồ Điệp
Lan Hồ Điệp

Hoa Cúc

Hoa Cúc gần một nghìn giống, trên hai vạn loại. Ông Đào Tiềm, tên tự là Đào Uyên Minh, đời nhà Tấn (Trung Quốc) là người đầu tiên biến hoa Cúc thành tượng trưng cho những người có tâm hồn cao thượng thời đó – Hoa của những người ẩn đật.

Trong “Yên đài Thu tập” của Ngô Thời Nhiệm (1746-1803) ca ngợi hoa Cúc là hoa “dẫu trời rét vẫn nở đầy núi” và “vượt hẳn các loài hoa khác để trang điểm cho mùa Thu” – Xuân Lan – Thu Cúc

Theo người Hà Nội thì Cúc là loại hoa “Diệp bất ly thân” và “Hoa bất lạc địa”. Cây khô mà lá chẳng rời thân, hoa tàn mà cánh không rơi.

Người xưa nói “Cúc ngạo hàn sương” – hoa cây Cúc kiêu hãnh ở giữa sương lạnh, trời đông hoa tàn mà một mình hoa Cúc vẫn tốt tươi, có hàm ý nói người cao sĩ sẽ vẫn ngẩng đầu ở đời loạn ly.

Chung quanh chỗ ở, người ta thường trồng một số cây cảnh có thể chịu được khí hậu khắc nghiệt như Tùng, Cúc, Trúc, Mai và Phật thủ, còn những cây như hoa Hồng và những cây hoa nở rộ nhưng mau tàn thì ít trồng.

Theo dân gian, người có mệnh thủy thì hợp với Cúc, trước nhà có một, hai chậu Cúc thì gia chủ được “Nhân khang vật thịnh, phúc lộc dồi dào, con cháu học giỏi, đỗ đạt cao”

Cúc Họa Mi
Cúc Họa Mi

Hoa Sen

Là thứ cây mọc dưới nước, lá to tròn, hoa màu hồng hoặc trắng, nhị vàng, hương thơm nhẹ, hạt dùng để ăn, làm mứt sen, để ướp trà.

Sen là biểu tượng con người, những người có bản lĩnh vững vàng dù trong môi trường, hoàn cảnh nào cũng có lập trường kiên định:

Trong đầm gì đẹp bằng Sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

             Hay:                                       Đất bùn đâu chỉ là bùn

Ngẫm hay mới biết trong bùn có Sen

Câu trên còn có ý nói ở đâu cũng có người tốt, người tài ta phải chú ý, phát hiện và sử dụng để làm lợi cho đời, cho cộng đồng. Với những đặc điểm ưu việt, cao quý và đáng tôn sùng nên hoa Sen được chọn là “Quốc hoa” của nước ta.

Sen được tôn quý đặc biệt vì trong đạo Phật, các Đức Phật thường xuyên tọa thiền trên tòa sen trang nghiêm, linh thiêng. Sen cũng liên quan đến câu chuyện Chùa Diên Hựu và “Đại Việt tứ đại khí” thời Lý Trần. Bốn bảo vật quốc gia là Tháp Báo Thiên tại Thăng Long - Tượng Phật Chùa Quỳnh Lâm - Vạc Phổ Minh ở Chủa Cổ Minh - Thiên Trường và Chuông Quy Điền ở Chùa Diên Hựu tại Thăng Long. Số là vua Lý Thái Tông mơ thấy Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát, tọa thiền trên tòa Sen xuất thế xuống trần và dắt nhà vua lên tòa Sen. Từ cơ sở hình ảnh trong mơ, Vua ban Chiếu sai các Quan trong Triều xây dựng một ngôi Chùa lấy tên là Diên Hựu (dân gian thường gọi là Chùa Một Cột) vừa là cảnh trí và điều quan trọng nhất là chốn linh thiêng để mọi người thờ cúng. Từ đó hoa Sen lại được nâng thêm đẳng cấp và càng được tôn sùng hơn.

Sen Việt Nam
Sen Việt Nam

Tiến Khải

Từ khóa: