Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) muốn giảm vốn điều lệ

Nguồn để mua lại cổ phiếu từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2021. 

Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) muốn giảm vốn điều lệ - Ảnh 1

Thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), đơn vị mới đây đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu gần 93 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) vào ngày 11/8.

SIP có vốn điều lệ 929 tỷ đồng. Hiện cổ đông lớn nhất của SIP là CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị An Lộc với tỷ lệ nắm giữ 19,5%, ông Trần Mạnh Hùng 9,92%, CTCP KCN Nam Tân Uyên 8,86% và ông Lư Thanh Nhã 7,36%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SIP đang giao dịch quanh mốc 134.000 đồng/cp chốt phiên ngày 15/8, ghi nhận mức tăng gần 31% chỉ trong vòng 1 tháng qua và tới 1.000% kể từ khi lên sàn UPCoM.

Trong một diễn biến khác, ngày 8/8, Đầu tư Sài Gòn VRG quyết định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc đăng ký mua lại 2 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ. Giá mua được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh.

Nguồn để mua lại cổ phiếu từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2021. 

Đầu tư Sài Gòn VRG là một trong những công ty phát triển khu công nghiệp (KCN) niêm yết lớn nhất miền Nam với tổng diện tích đất công nghiệp gần 3.200 ha. Đầu tư Sài Gòn VRG hiện có 4 KCN và 4 khu đô thị liền kề gồm: KCN - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông (Tây Ninh - 3.285 ha); KCN Đông Nam (Củ Chi - 342 ha); KCN Lê Minh Xuân 3 (Bình Chánh - 330 ha) và KCN Lộc An - Bình Sơn (Đồng Nai - 500 ha).

SIP khác với các công ty bất động sản niêm yết khác vì là công ty duy nhất có thể phân phối điện, nước trực tiếp cho khách thuê với doanh thu chiếm khoảng 80% tổng doanh thu. Do đó, hoạt động kinh doanh của SIP ổn định hơn và ít bị ảnh hưởng bởi biến động dòng vốn đầu tư vào các KCN so với các chủ đầu tư khác.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng SIP vẫn có tốc độ CAGR giai đoạn 2016- 2021 là 25% đối với doanh thu thuần, đạt 5.578 tỷ đồng năm 2021 và 42% đối với LNST của cổ đông công ty mẹ, đạt 833 tỷ đồng. Kết quả tích cực này chủ yếu nhờ mức tiêu thụ điện, nước của khách thuê tăng mạnh, doanh thu tài chính tăng khoảng 7 lần chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và lãi cho vay và nhu cầu thuê đất công nghiệp cao.

Trong 5 năm qua, SIP duy trì số dư nợ rất thấp và không sử dụng nợ vay dài hạn trong năm 2019-2020. Tại ngày 30/6/2022, SIP có số dư nợ vay là hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay ngắn hạn. Tổng tài sản ở mức 18.922 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ, trong đó tiền mặt và gửi ngân hàng chiếm 4.645 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của SIP ghi nhận 3.087 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm 6% về mức 483 tỷ đồng. EPS tương ứng 5.200 đồng.

Năm 2022, SIP đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 668 tỷ đồng, lần lượt giảm 7% và 26% so với thực hiện năm ngoái. 

SIP duy trì trả cổ tức bằng tiền mặt 1.800-2.800 đồng/cp trong 4 năm qua và dự kiến trả cổ tức tối thiểu 2.000 đồng/cp trong năm 2022.