Tây Bắc không chỉ là vùng đất của những dãy núi hiểm trở, rừng xanh bạt ngàn, đó còn là mảnh đất lưu giữ những kho trầm tích văn hóa dân tộc được hình thành qua nhiều thiên nhiên kỷ. Ở đó, 15 dân tộc thiểu số, với những nếp sinh hoạt và văn hóa độc đáo của mình, đã tạo nên những di sản quý giá, hình thành những “viên ngọc quý” và tạo sức hút đặc biệt cho những điểm đến bên triền núi cao mây phủ nơi địa đầu Tổ quốc.
Bạn sẽ không phải lặn lội từ Lào Cai, Lai Châu tới Sơn La, Yên Bái… để có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp Tây Bắc kỳ vỹ và sống động và đầy màu sắc quyến rũ đó. Tất cả những gì Tây Bắc nhất, sống động và rực rỡ màu sắc vùng cao nhất, đều sẽ được hội tụ trong Triển lãm văn hoá “Giấc mơ trên những đám mây", do Sun World Fansipan Legend tổ chức tại khu vực nhà ga đến cáp treo Fansipan (ga Đỗ Quyên), từ ngày 22/08/2023.
Triển lãm được chia thành 8 phân khu, gồm: khu vực hoạt động trải nghiệm, khu giới thiệu, khu vực demo sách “Rực rỡ những sắc màu”, khu triển lãm tranh 30 dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, khu trưng bày cây chúc phúc, ảnh đời sống và điểm tương tác “Đỉnh ước nguyện”.
Với việc trưng bày hơn với 30 bức tranh vẽ các trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số, cùng 24 bức hình chụp được chia thành 3 chùm nội dung ý nghĩa: “Giấc mơ của em”, “Giấc mơ của Mua”, “Giấc mơ trên lưng mẹ" và rất nhiều sản phẩm do chính tay bà con của những dân tộc thiểu số làm ra. Triển lãm văn hoá “Giấc mơ trên những đám mây" sẽ đưa du khách lên chuyến tàu du ngoạn văn hóa Tây Bắc, để thấm hiểu vì sao Tây Bắc đã trở thành đam mê và nỗi day dứt khôn nguôi của nhiều văn, nghệ sĩ.
Đến triển lãm, du khách cũng sẽ không chỉ đơn giản để xem tranh, ngắm hình chụp đời sống của bà con, mà hơn cả, đó sẽ là hành trình cảm nhận những nét đẹp rất đỗi Việt Nam. Mỗi dân tộc hiện diện tại không gian triển lãm là một mảnh ghép quý giá, tạo nên bức tranh Tây Bắc rực rỡ màu sắc và xúc cảm.
Đặc biệt, triển lãm sẽ liên tục có sự tham gia của các nghệ nhân và những chàng trai cô gái đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại Sa Pa và Tây Bắc. Họ mang đến các hoạt động giới thiệu văn hoá trong các chương trình Giao lưu văn hóa cùng nghệ nhân đồng bào Xa Phó, Giáy hay Tày…; biểu diễn các làn điệu dân gian của dân tộc mình trong các minishow độc đáo như Tình yêu Fansipan, Nét đẹp dân tộc Pa Dí, Khơ Mú…
Tham quan triển lãm, du khách cũng sẽ hết sức thích thú khi được hóa thân thành các cô gái dân tộc, trong trang phục người Mông (đen), Dao (đỏ), Thái (trắng), Xa Phó, Giáy, Tày. Ở khu vực cây chúc phúc, bà con dân tộc thiểu số đã gửi tới khách tham quan ngàn lời chúc. Ở nơi đỉnh ước nguyện, trước hình ảnh đỉnh Fanispan thiêng liêng, du khách lại được gửi tới đỉnh thiêng những mong ước của bản thân, đặt niềm tin điều ước sẽ thành hiện thực. Chuyến tàu “qua miền Tây Bắc” của du khách cứ như thế, không ngừng đi qua những ngỡ ngàng thú vị và đầy xúc động.
Được biết, những bức hình sinh động và gần gũi trưng bày trong triển lãm được Sun World Fansipan Legend lựa chọn trong bộ sưu tập những bức hình từ chuyến đi “99 ngày xuyên Việt cùng Mai” của Nhà báo – Đạo diễn Nguyễn Bông Mai. Trong hành trình một mình lang thang khắp mảnh đất hình chữ S, chị đã tìm hiểu về trang phục dân tộc của phụ nữ Việt Nam và đặc biệt ấn tượng với những nét văn hóa vùng cao Tây Bắc. Tháng 2/2023, chị đã tổ chức triển lãm “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Triển lãm thu hút 5.500 khách tham quan. Sau đó, triển lãm này cũng đã có mặt tại Osaka – Nhật Bản, để giới thiệu về những bộ trang phục độc đáo của các dân tộc Việt Nam với kiều bào và người dân “xứ sở hoa anh đào”.
Lần này, cùng với Sun World Fansipan Legend tổ chức Triển lãm văn hoá “Giấc mơ trên những đám mây", nhà báo - Đạo diễn Nguyễn Bông Mai như được sống lại 99 ngày đầy cảm xúc đó. Chị chia sẻ: “99 ngày của hành trình xuyên Việt có thể nói là một chuyến đi không hề ngắn và dễ dàng với một người phụ nữ lái xe một mình. Nhưng sau hành trình đó, việc để tiếp tục tìm hiểu và muốn lan toả tình yêu với văn hoá dân tộc mới thực sự là dài. Tôi luôn đau đáu mình phải làm điều gì đó để nhiều, nhiều người hơn nữa yêu những giá trị văn hoá vô cùng tuyệt vời của các dân tộc anh em Việt Nam. Tôi lấy tên gọi triển lãm lần này là "Giấc mơ trên những đám mây" vì tôi đang mơ một giấc mơ không chỉ của riêng tôi mà còn của biết bao con người tôi đã gặp gửi gắm theo hành trình, theo đám mây nơi núi rừng, bản làng xa xôi. Tôi mong muốn được tri ân, tỏ lòng biết ơn tới các đồng bào khắp mọi miền mà tôi đã đi qua vì tình yêu thương, vì những mảng màu văn hoá dân tộc thật đa dạng mà tôi may mắn được chạm đến. Triển lãm này xin dành tặng họ với tất cả tình yêu và lòng biết ơn của tôi.”
Không gian triển lãm, theo chia sẻ của nhà báo - Đạo diễn Nguyễn Bông Mai, cũng không chỉ giới hạn tại khu vực bên trong nhà ga đến cáp treo, mà được nối dài tới Bản Mây - nơi bà con đồng bào các dân tộc thiểu số gồm Xa Phó, Tày, Giáy, Dao (đỏ), Mông (đen), Thái (trắng) tái hiện những nét văn hóa đặc trưng độc đáo nhất của mình tới du khách, mang tới cho họ một hành trình Tây Bắc trọn vẹn với nhiều triền cảm xúc nhất.
Tây Bắc không hề xa. Tây Bắc rất gần và rất đỗi thân thương, như bài hát ru con của người phụ nữ Dao đỏ, như tiếng kèn lá trên đỉnh non cao của người Mông, như nghệ thuật hát Then của người Tày… Cả Tây Bắc dường như được thu bé lại, trong không gian Triển lãm văn hoá “Giấc mơ trên những đám mây" đặc sắc, nơi Bản Mây hiền hòa bên chân núi Fansipan, mời gọi du khách về với Sa Pa, lên với Sun World Fansipan Legend trong mùa thu này./.
PV