Dệt may Thành Công lãi 25 tỷ đồng trong tháng 1/2022

Dệt may Thành Công đã trở lại mức công suất 100% nên cũng khiến cho doanh thu tăng cao và biên lợi nhuận tốt hơn

Dệt may Thành Công lãi 25 tỷ đồng trong tháng 1/2022 - Ảnh 1

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 1 ghi nhận doanh thu đạt 17,3 triệu USD (~ 394 tỷ đồng), tăng 67% so với tháng 12/2021; lợi nhuận sau thuế 1,1 triệu USD (~ 25 tỷ đồng), tăng 73%. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu tăng 12% và lợi nhuận tăng nhẹ 3%.

Chia sẻ với báo giới, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT cho biết biên lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục cải thiện so với các tháng trước nhờ chi phí nhân công không còn cao như thời điểm dịch bệnh, chi phí logistics ổn định đi ngang và giảm. Mặt khác, Dệt may Thành Công đã trở lại mức công suất 100% nên cũng khiến cho doanh thu tăng cao và biên lợi nhuận tốt hơn.

Về tình hình đơn hàng, công ty đã nhận đến đầu quý III, tức tháng 7 và 8. “Nhìn chung tình hình đơn hàng năm nay quá yên tâm”, lãnh đạo TCM nói.

Đồng thời, ông Tùng cũng cập nhật thêm nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 đã hoàn tất xây dựng trong tháng này và lắp máy móc trong tháng 3, dự kiến cuối tháng 3 có thể đi vào sản xuất. Nhà máy này được xây dựng để phục vụ chủ yếu 2 khách hàng lớn đến từ Mỹ là Revise và Adidas với những tiêu chuẩn cao, khắt khe hơn.

Hoạt động sản xuất kinh doanh đã đi vào ổn định, năng suất đã phục hồi sau đại dịch và chi phí logistic đang có xu hướng giảm, nhờ vậy mà biên lợi nhuận đã được cải thiện đáng kể so với trước đó.

Về thị trường xuất khẩu, trong tháng 1/2022, xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất chiếm 34,58% % tổng lượng hàng xuất khẩu, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm 24,72%, Nhật chiếm 17,07%.

Để tận dụng những ưu đãi về thuế quan do khi Hiệp định EVFTA và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại, Công ty đã và đang tiếp cận khách hàng mới, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Châu Âu tiềm năng và còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Trong tháng 1/2022, xuất khẩu của TCM vào thị trường châu Âu chiếm 8,78% trong đó có thị trường UK chiếm ưu thế 8%.