Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã: TNG - sàn HNX) ngày 2/3 công bố báo cáo tình hình kinh doanh tháng 2/2023 với doanh thu tiêu thụ đạt 375 tỷ đồng, tăng 43 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng 13%.
Lũy kế doanh thu tiêu thụ đến tháng 2/2023 đạt 771 tỷ đồng, tương ứng 92% lũy kế doanh thu tiêu thụ cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 2/2023, đại diện khách hàng Decathlon ( nhà bán lẻ đồ thể thao của Pháp) đã có buổi tham quan và làm việc cùng nhà máy TNG Sông Công. Hiện dệt may TNG là một trong những trung tâm sản xuất lớn của Decathlon, với đơn hàng liên tục tăng trưởng. Qua đó, trung tâm phát triển mẫu TNG đã được thành lập và đây là trung tâm phát triển mẫu đầu tiên được Decathlon triển khai tại Việt Nam cho ngành hàng dệt thoi.
Kết quả khả quan của TNG diễn ra trong bối cảnh tính từ đầu năm đến giữa tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam giảm 845 triệu USD, tương ứng giảm 19,7%.
Các chuyên gia đánh giá, "Mỹ, châu Âu và Nhật là những thị trường phát triển, thị trường xuất khẩu của chúng ta. Khi nhiều người đều đã nhận diện rủi ro chính tỏ họ đã chuẩn bị cho nó, chuyện gì xảy ra khi những nhà bán lẻ tại Mỹ và EU đang giảm hàng tồn kho do lo ngại suy thoái và kinh tế Mỹ, châu Âu hạ cánh mềm. Nó không suy thoái đến mức như mọi người kỳ vọng, ngược lại những doanh nghiệp đấy lại bật lại tăng rất mạnh", ông Đào Phúc Tường, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nêu quan điểm.
"Năm ngoái tháng 1, phần lớn các doanh nghiệp ký hợp đồng đến tháng 9. Tháng 1 họ suy giảm chút thì họ ký đến tháng 6, chứng tỏ họ không thiếu đơn. Năm nay có thuận lợi so với năm ngoái là giá bông giảm rất nhiều, câu chuyện quản trị hàng tồn kho của họ có thể đánh bật lại lợi nhuận. Ngoài ra là chi phí vận tải, năm ngoái có những thời điểm doanh nghiệp dệt may phải giao hàng bằng máy bay, bây giờ chỉ cần cước tàu biển giảm mạnh, trong nguy luôn có cơ", ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Đầu tư, Công ty CP Chứng khoán SmartInvest, cho biết.
Một số doanh nghiệp dệt may cho biết, doanh thu và lợi nhuận tháng 1 đã vượt kế hoạch đề ra, đơn hàng quý I, II vẫn đảm bảo. Thách thức đúng là có nhưng doanh nghiệp vẫn có giải pháp để duy trì tăng trưởng trong năm 2023
Năm nay là một bức tranh không phải toàn màu xám với doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, nhưng nó là bức tranh mang tính phân hóa. Một số doanh nghiệp vẫn xoay sở ổn, nhưng có những doanh nghiệp nhận đơn hàng từ các đối tác nhỏ sẽ có phần bấp bênh hơn.
Các chuyên gia cho rằng, đầu tư cổ phiếu ngành dệt may năm nay không nên chỉ đi tìm một "miếng vải đẹp về mẫu mã", mà cần thêm "chất vải tốt và bền" để có khả năng chống chịu với điều kiện "thời tiết" thất thường.