Ngày 24/4/2021, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên với nhiều kế hoạch quan trọng trong năm 2021.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Techcombank đã đồng hành, hỗ trợ cán bộ nhân viên và hơn 3.200 khách hàng bị ảnh hưởng với gói hỗ trợ giá trị 41 nghìn tỷ đồng bao gồm tái cấu trúc nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất…
Năm 2020 cũng là năm đặc biệt của Techcombank với những kết quả chưa từng có. Ngân hàng đã đạt 15,8 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT) và 27 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng lần lượt 23,1% và 28,4% so với năm 2019. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đứng đầu ngành ngân hàng, đạt mức 3,1% và 46,1%. Techcombank vẫn duy trì được vị thế vốn hàng đầu với tỷ lệ an toàn vốn đạt 16,1%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,5% (thấp nhất trong hệ thống). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện lên tới 171,0% vào thời điểm cuối năm 2020, thể hiện chất lượng tài sản lành mạnh và chiến lược quản trị rủi ro thận trọng của ngân hàng.
Năm 2021, kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 19.800 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm trước. Dư nợ tín dụng lên kế hoạch tăng 12% lên 356.199 tỷ đồng, hoặc cao hơn, trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép, huy động vốn tăng 14,7% lên 334.291 tỷ đồng hoặc cao hơn.
Techcombank cũng đã báo cáo cổ đông việc tăng vốn điều lệ lên 35.109 tỷ đồng, tăng thêm 0,17%, với kế hoạch phát hành 6,0 triệu cổ phiếu trong Chương trình lựa chọn phát hành, bán cổ phần cho người lao động.
Trong ĐHĐCĐ năm 2021, Techcombank đã chia sẻ về chiến lược 5 năm cho giai đoạn 2021-2025 đồng thời cập nhật Tầm nhìn - Sứ mệnh mới của Ngân hàng.
Theo đó tầm nhìn mới được đề ra là Chuyển đổi ngành tài chính, Nâng tầm giá trị sống, thúc đẩy mỗi người khai phá tiềm năng và bản lĩnh hành động cho những điều vượt trội. Ngân hàng cũng có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư nền tảng để tạo ra các mô hình kinh doanh phù hợp với tầm nhìn - sứ mệnh mới này.
Lãnh đạo Techcombank cho biết, ngân hàng sẽ tập trung vào các nguồn có thể tạo lợi nhuận lớn nhất như tiền gửi không kỳ hạn (CASA), cho vay mua nhà, chuỗi giá trị bất động sản và quản lý gia sản (gồm trái phiếu, quỹ đầu tư, Bảo Lộc, bảo hiểm,…), đồng thời vẫn tiếp tục đa dạng hóa vào các lĩnh vực khác để tối ưu hóa lợi nhuận-rủi ro và cho phép Ngân hàng có thể tham gia vào những cơ hội mới.
Theo đó, định hướng đến năm 2025, Techcombank đưa ra một số mục tiêu như nâng tỷ lệ CASA lên 50% (cuối năm 2020 là 46%), tỷ trọng thu nhập từ phí chiếm 30%. Ngân hàng cũng hướng tới mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD.
Đáng chú ý, đại hội lần này sẽ bầu thêm một thành viên HĐQT mới với ứng viên là ông Hồ Anh Ngọc (em trai Chủ tịch Hồ Hùng Anh). Như vậy, số lượng thành viên HĐQT của ngân hàng dự kiến tăng từ 8 lên 9 người.
Ông Hồ Anh Ngọc sinh năm 1982, có bằng Thạc sĩ kinh tế trường đại học Macquarie Sydney, Úc. Ông cũng là thành viên CPA được cấp bởi Hiệp hội Kiểm toán Úc.
Từ tháng 1/2007, ông Hồ Anh Ngọc đảm nhiệm nhiều vị trí tại Techcombank, từ Phó Giám đốc Trung tâm thẻ dịch vụ tiêu dùng, Giám đốc chi nhánh TP HCM, Phó Giám đốc khối ngân hàng bán buôn kiêm gián đốc ngân hàng bán buôn miền Nam...
Giai đoạn tháng 11/2011-1/2013, ông Ngọc là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Thảo Điền...Từ tháng 1/2013 đến tháng 5/2018, ông là Phó Chủ tịch/Chủ tịch HDTV của Techcombank AMC.
Ông Ngọc cũng đang đảm nhiệm ban đại diện miền Nam của Techcombank, Chủ tịch HĐQT One Mount Group, Chủ tịch CTCP 1MG Housing, Chủ tịch CTCP One Distribition.
Tạ Thành