Hiện nay, ngành năng lượng và môi trường đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, việc ứng dụng khoa học công nghệ để tận dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống, chuyển giao sử dụng các nguồn năng lượng mới, bảo vệ môi trường và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững ngày càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Chương trình đã được tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Thành phố Hà Nội với mục tiêu khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và sở hữu công nghệ năng lượng và môi trường, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và thúc đẩy trao đổi giữa Chính phủ và doanh nghiệp về các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và môi trường.
Chương trình với chủ đề "Xu hướng công nghệ mới và khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và sở hữu công nghệ năng lượng và môi trường" đã thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của hàng trăm cá nhân, tổ chức và cơ quan truyền thông.
Tới dự chương trình, có ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cùng đại diện của các doanh nghiệp, cơ quan và đơn vị trong và ngoài nước. Tại đây, các diễn giả đã trình bày về các nội dung liên quan đến xu hướng công nghệ mới và khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và sở hữu công nghệ năng lượng và môi trường.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan để định hướng, ưu tiên bố trí nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ năng lượng và môi trường.
Phát triển các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo, là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và đóng góp vào xây dựng một nền kinh tế "xanh" và hiện đại. Việc phát triển các nguồn năng lượng này cũng giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân tán rủi ro, tăng cường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Diễn đàn được chia thành hai phiên: Phiên tham luận và Phiên tọa đàm. Tại Phiên tham luận, các đại diện của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có bài trình bày về các nội dung liên quan đến xu hướng công nghệ mới và khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và sở hữu công nghệ năng lượng và môi trường.
Toàn cảnh phiên toạ đàm
Tại phiên tham luận, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ năng lượng và môi trường trong và ngoài nước cũng đã giới thiệu các giải pháp như: Công nghệ trong sản xuất điện rác sinh khối, Hydro xanh và thu hồi carbon; công nghệ xử lý Solar panel; giải pháp kiểm soát vận hành rác thải thành năng lượng và xử lý nước thải được hỗ trợ bởi AI; giảm thiểu tác động của nguồn vRE đến lưới điện hiện nay; giải pháp chuyển đổi Biomass và rác thải thành năng lượng.
Các chuyên gia đề xuất, Việt Nam cần hình thành và phát triển thị trường công nghệ năng lượng tái tạo, tạo sự bình đẳng trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ năng lượng tái tạo.
Tại phiên Tọa đàm, đại diện Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đại diện Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng như một số doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận xoay quanh chủ đề chính sách khoa học và công nghệ cho nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng, môi trường; chính sách phát triển năng lượng xanh, chuyển đổi năng lượng; định hướng đầu tư và phát triển năng lượng-môi trường của TP. Hà Nội…
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đối với Hà Nội việc chuyển dịch năng lượng là ưu tiên hàng đầu vì liên quan đầu tiên đến cấp điện cho Thủ đô. Do đó, để bảo đảm việc cấp điện phải đưa ra một loạt tiêu chí, mục tiêu.
Diễn đàn Công nghệ Năng lượng và Môi trường 2023 cung cấp một cơ hội quý báu cho các đơn vị trong các ngành khoa học và công nghệ, công thương, tài nguyên và môi trường để có cái nhìn tổng thể và rõ ràng hơn về tình hình các hoạt động liên quan đến ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và môi trường.
Kết quả của Diễn đàn là cơ sở để Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu, tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước trong hoàn thiện các cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ, khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ năng lượng và môi trường mới từ các tổ chức trong và ngoài nước, rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ với các nước tiên tiến, hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch.
Bảo An