Tham dự và điều hành Diễn đàn, về phía các cơ quan thành phố Hà Nội có: Ông Nguyễn Mạnh Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội; Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội; cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo và cán bộ các phòng chuyên môn, các đơn vị thuộc của Sở NN&PTNT Hà Nội.
Về phía huyện Gia Lâm, có: Ông Trương Văn Học - Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm; Ông Chu Anh Tuấn - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội nông dân huyện Gia Lâm; Bà Hoàng Thị Thuý Nga - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Lâm; cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Thường trực huyện uỷ, lãnh đạo và chuyên viên của Văn phòng hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, Phòng Kinh tế, Hội nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và đại diện lãnh đạo uỷ ban nhân dân các xã sản xuất nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Về phía Ban cố vấn, có: Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam; PGS.TS. Lê Văn Năm - Ủy viên Trung ương Hội khoa học kỹ thuật thú y Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp Hội sản xuất và kinh doanh thuốc Thú y Việt Nam; TS. Ngô Vĩnh Viễn - Nguyên Viện trưởng Viện BVTV; PGS.TS Kim Văn Vạn - Trưởng khoa Thủy sản - Học viện Nông nghiệp Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển hoa cây cảnh, Viện nghiên cứu rau quả; TS. Cao Văn Chí - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi - Viện Nghiên cứu Rau Quả...
Ngoài ra, còn có sự hiện diện của hơn 200 đại biểu đại diện là thành viên hợp tác xã, khuyến nông viên cơ sở, chủ trang trại và nông dân tiêu biểu trên địa bàn huyện Gia Lâm; đại diện các cơ quan truyền thông báo đài Trung ương, Hà Nội, huyện Gia Lâm, Tạp chí điện tử Kinh tế và Đồ uống, Trang thông tin điện tử Đời sống và Tiêu dùng…
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngành nông nghiệp đã đặt ra mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường. Để đạt được mục tiêu trên thì người nông dân cần phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới đặc biệt người nông dân cần tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới và các cơ chế, chính sách.
Thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2021- 2023 và kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2024, đến nay cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch tích cực, giá trị sản xuất kinh tế đạt cao.
Sau 2 năm triển khai Đề án phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, cùng với tập trung đầu tư phát triển kinh tế toàn diện trên các lĩnh vực, UBND huyện Gia Lâm đã quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp. Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biển, từng bước phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả cao, tích cực.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân 2 năm đạt 2,09% (Đề án 2,0 - 2,5%). Tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản giảm dần theo hướng tích cực so với các ngành kinh tế chủ yếu của huyện như công nghiệp - xây dựng, dịch vụ nhưng giá trị ngành sản xuất nông nghiệp, thủy sản năm sau tăng hơn năm trước.
Cụ thể, năm 2021, tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản của huyện là 8,29%, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 1.051,7 tỷ đồng; đến năm 2023, tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản của huyện là 6,8%, nhưng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản đạt 1.090, tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 75,8 triệu đồng/người/năm (Đề án phấn đấu đạt 80 triệu đồng/người/năm).
Huyện đã thực hiện quy hoạch sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung. Đến nay, tại 10 xã có diện tích sản xuất nông nghiệp ổn định ngoài đô thị, gồm: Phù Đổng, Văn Đức, Trung Mầu, Dương Quang, Kim Sơn, Lệ Chi, Cổ Bi, Phú Thị, Kim Lan, Đặng Xá. Trong lĩnh vực trồng trọt, theo Đề án, diện tích lúa cần chuyển đổi đến năm 2025 còn 649,84ha. Đến hết năm 2023, tổng diện tích lúa, màu hiệu quả kinh tế thấp đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh là 304,13ha (đạt 53,59% kế hoạch của Đề án, tập trung ở một số xã như: Phù Đổng 70ha, Trung Mầu 25ha, Dương Xá 65ha, Dương Quang 15ha, Lệ Chi 15,1ha, Yên Thường 10ha, Văn Đức 18,28ha, Đặng Xá 5ha…
Sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch vùng đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất.
Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với những sản phẩm thế mạnh; đồng thời, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả bền vững theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo bà Hoàng Thị Thuý Nga - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Lâm: Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông chính là cầu nối đưa kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với bà con nông dân nhằm nâng cao trình độ sản xuất, từ đó giúp tăng trưởng giá trị nông nghiệp cho địa phương. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được tổ chức với mục đích trang bị kiến thức, giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật. Diễn đàn được tổ chức luân phiên tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố với sự tham gia của Ban cố vấn là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi - thú y, thủy sản, trồng trọt - bảo vệ thực vật.
Theo đó, Ban cố vấn không chỉ giải đáp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất mà còn giúp họ hiểu rõ, nắm bắt chính sách của Nhà nước, thành phố về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chú trọng phổ biến một số nội dung chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của HĐND thành phố Hà Nội như: Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội; Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND quy định nội dung, mức chi hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 - 2025.
Tại chương trình, ông Trương Văn Học - Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm chia sẻ: Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông với mục tiêu liên kết một cách có hiệu quả nhất giữa hộ nông dân với nhà khoa học, nhà quản lý, nhằm trao đổi thông tin, giao lưu, học tập các kiến thức khoa học bổ ích về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…, các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp và giải đáp khó khăn, vướng mắc mà nông dân đang gặp phải và trang bị cho nông dân thêm kiến thức, các tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lại sản xuất khoa học hơn, quy mô lớn hơn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, phát triển nông nghiệp bền vững.
Các đại biểu là đại diện các hộ nông dân, các doanh nghiệp sản xuất, đại diện Hội đồng quản trị HTX dự hội thảo này chính là hạt nhân để tuyên truyền, truyền tải nội dung bổ ích ngày hôm nay đến toàn thể thành viên HTX, đến các hộ sản xuất. Gia Lâm xác định phát triển nông nghiệp nông thôn dựa trên tiềm năng lợi thế của Huyện gắn kết chặt chẽ phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
“Nông dân Gia Lâm rất mong chờ dịp được tham gia Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông hàng năm để có cơ hội mở mang kiến thức. Qua đó, tạo thuận lợi giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, cũng như tổ chức lại sản xuất học hơn, quy mô lớn hơn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.”- ông Trương Văn Học thông tin.
Tại diễn đàn, các hộ nông dân, hợp tác tác xã trên địa bàn huyện Gia Lâm đã được nghe các nhà khoa học trao đổi thông tin, kiến thức khoa học về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… cùng với chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp; giải đáp khó khăn, vướng mắc mà nông dân đang gặp phải; trang bị cho nông dân thêm kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống; thông tin về những giải pháp để nông dân chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lại sản xuất khoa học hơn, quy mô lớn hơn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, phát triển nông nghiệp bền vững.
Một số hình ảnh tại Diễn đàn: