Tham dự Diễn đàn có: Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ; Bà Lê Thị Thu Hiền – Đại diện Tổ chức AGRITERRA; Ông Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia Chính sách Tài chính; cùng sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp nông nghiệp trong nước và các tổ chức quốc tế.
Ngoài ra, còn có sự hiện diện của hơn 200 đại biểu đại diện là thành viên hợp tác xã, khuyến nông viên cơ sở trên địa bàn; đại diện các cơ quan truyền thông báo đài Trung ương, Hà Nội, Tạp chí điện tử Kinh tế và Đồ uống, Trang thông tin điện tử Đời sống và Tiêu dùng…
Diễn đàn nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước, HTX, chuyên gia cùng nhau tìm ra con đường phát triển bền vững cho chuỗi giá trị nông sản.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, phải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Cần tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hiệu quả theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng và vật nuôi, sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hoá trong quản lý sản xuất.
Phát biểu khai mạc, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định: Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp - Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” là một sự kiện ý nghĩa, khẳng định những nỗ lực góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022) và Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thông qua Diễn đàn hôm nay, Liên minh HTX Việt Nam mong muốn được tiếp thu, đúc kết những ý kiến đóng góp, kiến nghị, thảo luận từ đại diện các Bộ ngành liên quan, các chuyên gia, cộng đồng HTX và các doanh nghiệp để cùng nhau xây dựng chuỗi giá trị nông sản ngày càng hiệu quả hơn nữa.
Theo đó, Diễn đàn được chia thành hai phiên chính. Phiên đầu tiên tập trung vào các giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản. Các tham luận từ đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng các chuyên gia quốc tế sẽ cung cấp những góc nhìn sâu sắc và các kinh nghiệm thực tiễn về tái cơ cấu nông nghiệp và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông sản.
Tham gia chia sẻ, thảo luận tại Diễn đàn, GS. TS Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thảo luận về lĩnh vực Công nghệ mới trong Nông nghiệp trên thế giới và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam. Theo GS. TS Trần Đức Viên, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng chủ đạo, là chìa khóa thành công của các nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới hiện nay. Tại Việt Nam, những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường… đang đặt ra những khó khăn, thách thức rất lớn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề trên mà còn là một tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông phẩm, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ nhận định: Chính sách và giải pháp tài chính cho tái cơ cấu chuỗi giá trị nông sản chính là thị trường nông sản và giải pháp phát triển chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu.
Nông nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất dồi dào, các sản phẩm phong phú, đa dạng, có khả năng cung ứng lớn cho thị trường thế giới với lợi thế cạnh tranh từ 16 FTA phủ khắp các thị trường lớn như CPTPP, EU, ASEAN… Các FTA đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan; đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong thời gian tới, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn phải đối diện với năm thách thức lớn.
Một là, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; Hai là, chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm; Ba là, chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi; Bốn là, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngày càng tăng; Năm là, người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát; Sáu là, trong bối cảnh giá năng lượng dự báo tăng cao, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm, từ đó đặt ra thách thức đối với việc bảo đảm an ninh lương thực và suy giảm giá trị thặng dư.
Chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trước những thách thức nêu trên và đảm bảo sự bền vững trong chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu toàn cầu, Việt Nam cần: Tăng cường xuất khẩu 10 nông sản chủ lực vốn đã có thị trường ổn định; Triển khai việc thực hiện nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu nuôi sang thị trường Trung Quốc; Quyết liệt trong tháo gỡ “thẻ vàng” IUU của EU về thủy sản càng sớm càng tốt…; Phát triển mạnh cơ sở hạ tầng kho bãi và hệ thống logistics, vận chuyển bằng đường sắt, đường biển… Qua đó, tăng thêm cơ hội xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường chủ lực Trung Quốc, và kết nối chặt chẽ với hệ thống thương mại biên mậu với các quốc gia trong khu vực… Cải thiện quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững, sự minh bạch trong truy xuất nguồn gốc nông sản đáp ứng yêu cầu của bên nhập khẩu…
Chuyên gia Chính sách Tài chính Nguyễn Văn Phụng tham luận về Chính sách và Giải pháp tài chính cho tái cơ cấu chuỗi giá trị nông sản. Theo đó, Chuyên gia Chính sách Tài chính đã kiến nghị, đề xuất 5 nhóm giải pháp chính sách tài chính cho tái cơ cấu chuỗi giá trị nông sản. Cụ thể: Cải thiện chính sách thuế GTGT để tháo gỡ các nút thắt, giảm gánh nặng chi phí cho nông dân và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững; Tăng cường hỗ trợ tài chính và tín dụng; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo hiểm nông nghiệp; Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp; Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản...
Phiên thứ hai của diễn đàn là phiên thảo luận mở, nơi các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao giá trị nông sản. Những mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản sẽ được trình bày và thảo luận, góp phần định hướng cho sự phát triển bền vững của chuỗi giá trị nông sản Việt Nam.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho hay: Ngành nông nghiệp Việt Nam đang có được nhiều chính sách của Nhà nước hỗ trợ thúc đẩy trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm nhóm chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ giống, liên kết sản xuất tiêu thụ, chuyển đổi số, phát triển chế biến sâu, khuyến khích kêu gọi đầu tư, thuế và tín dụng đối với hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Nhìn chung, về mặt chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt là không thiếu.
Do đó, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, vấn đề còn lại là năng lực và điều kiện tiếp cận của các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản đối với các chính sách này như thế nào, hoặc khâu chính sách nên điều chỉnh như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế của tái cơ cấu nông nghiệp.
"Tôi mong rằng thông qua Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” sẽ có những thông tin giá trị, hiệu quả để vận dụng tốt vào thực tiễn sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Chắc chắn rằng với những ý kiến đóng góp, những giải pháp phát huy cơ chế chính sách nói chung, các kiến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị bền vững được đưa ra tại Diễn đàn lần này sẽ nhận được sự quan tâm, tiếp thu của các cơ quan chức năng. Và điều kỳ vọng là thông qua việc thực thi một loạt các giải pháp mang tính đồng bộ sẽ giúp mang lại những cơ hội và lợi thế cho chuỗi giá trị nông sản Việt”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định.
Diễn đàn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp với trọng tâm là phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh và tuần hoàn. Những yếu tố này không chỉ đảm bảo sự bền vững của chuỗi giá trị nông sản mà còn tăng cường giá trị cạnh tranh trên thị trường quốc tế.