Thời gian qua, căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tế địa phương, một số tỉnh thành và doanh nghiệp đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả trên cơ sở xây dựng phương án vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo sản xuất, như hình thức sản xuất “3 tại chỗ”, hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình dịch, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất chè đã chủ động xây dựng các phương án của mình.
An toàn để sản xuất
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển chè Tam Đường cho biết: Hiện nay chè đang vào vụ thu hoạch và là thời gian cao điểm sản xuất của đơn vị. Công ty đang duy trì việc làm cho hơn 200 cán bộ, công nhân và người lao động thời vụ, trong đó có khoảng 180 người tham gia lao động trực tiếp. Nếu duy trì ổn định sản xuất, đồng nghĩa với việc công ty tạo việc làm ổn định cho khoảng 8.000 người nông dân. Vì vậy công nhân và người lao động trước khi vào ca làm đều được test nhanh Covid-19 và được lấy mẫu xét nghiệm theo phương pháp PCR 1 lần/tháng.
Theo đó, công ty cũng đã lên phương án kịch bản xấu nhất trong trường hợp ở tỉnh Lai Châu có F0. Và khi đó là tại Nhà máy chè Bản Bo sẽ thực hiện "3 tại chỗ", bố trí, sắp xếp các điều kiện lưu trú cho cán bộ, công nhân viên ở tại nhà máy để tham gia sản xuất, đảm bảo an toàn. Còn với nhà máy ở thành phố Lai Châu công ty tính đến việc tuyển dụng người lao động thời vụ thì phải tuyển dụng ở địa phương vùng xanh và phải vận dụng "1 cung đường, 2 điểm đến".
Với việc áp dụng nghiêm ngặt quy trình quản lý công nhân và người lao động theo phương án "1 cung đường, 2 điểm đến" và chủ động phương án "3 tại chỗ" trong phòng, chống dịch Covid-19, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh. Sự chủ động này đã và đang mang lại hiệu quả, giúp địa phương duy trì sự ổn định, đảm bảo "mục tiêu kép" trong phát triển kinh tế - xã hội.
Còn tại Công ty CP Chè Sông Lô, Tuyên Quang, bên cạnh việc tăng cường qua các biện pháp chống dịch đảm bảo an toàn cho người lao động, DN đã đầu tư nâng cấp các dây chuyền sản xuất chè đen, chè xanh xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Ấn Độ, Anh, Nga, Pakistan, Hà Lan, Trung Quốc.
Ông Vũ Đức Tráng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chè Sông Lô, Tuyên Quang cho biết, những yêu cầu bắt buộc như 5K luôn được người lao động thực hiện nghiêm túc tại nhà máy. Do ý thức được việc phòng chống dịch sẽ đảm bảo sản xuất, ổn định đời sống, nên người lao động sau giờ làm việc khi về nhà cũng thực hiện rất nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch.
“Công ty luôn thực hiện nghiêm túc 2 nhiệm vụ, một là sản xuất kinh doanh, hai là phòng, chống dịch. Trong sản xuất kinh doanh, DN quán triệt đến tất cả cán bộ công nhân viên người lao động là phải thực hiện các quy định 5K của Bộ Y tế, công nhân phải đeo khẩu trang, trong sản xuất phải giãn cách, không tụ tập đảm bảo hoạt động bình thường”, ông Tráng nói.
Thực hiện “mục tiêu kép” bảo đảm phòng, chống dịch bệnh vừa sản xuất kinh doanh, không chỉ giúp các DN trụ vững trong bối cảnh khó khăn mà còn giữ đà tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Tuyên Quang. Từ đầu năm nay giá trị xuất khẩu hàng hóa của Tuyên Quang vẫn tăng trưởng dương lên tới 131% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, với tinh thần “Sống an toàn với dịch bệnh”, ngành Công Thương tỉnh đang tích cực hỗ trợ cùng DN tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nhằm đạt mục tiêu giá trị xuất khẩu hàng hóa trên 136 triệu USD trong năm nay.
Tại công ty chè Chiềng Ve Mộc Châu (Sơn La), cải tiến nhằm mở rộng đầu ra, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người lao động, Công đoàn phối hợp cùng Công ty đặc biệt chú trọng, quan tâm công tác phòng chống Covid-19 tại cơ sở. Ban chỉ đạo được thành lập để tổ chức tuyên truyền quy tắc 5K của Bộ y tế, đầu tư mua máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, khẩu trang … tại các điểm thu mua chè và nhà máy, công sở. Lập sổ khai báo y tế, theo dõi lịch trình đi lại của khách hàng đến làm việc tại Công ty, đảm bảo mọi điều kiện an toàn để sản xuất. Đến nay, 100% nhân viên của Công ty đã được tiêm mũi 01 vắc xin phòng Covid-19.
Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, biện pháp chống dịch lâu dài
Theo thống kê của Hiệp hội Chè Việt Nam, tính đến năm 2020, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123 nghìn ha, năng suất bình quân đạt gần 95 tạ/ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đối với diễn biến phức tạp từ dịch bệnh Covid-19 vẫn đang gây khó khăn và thiệt hại cho doanh nghiệp, theo TS.Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, hiện nay có những vùng chè tập trung chuyên canh lớn đòi hỏi nhiều lao động trong khâu thu hái phải huy động lao động từ các địa phương khác đến trong vụ thu hoạch, nhưng phải thực hiện việc cách ly nên không thể triển khai được, phải tổ chức sản xuất cơ bản tại nội bộ địa phương.
Trong vấn đề sản xuất, Hiệp hội khuyến cáo nên điều tiết về vấn đề người lao động khi thực hiện quá trình thu hoạch, cần đảm bảo được sự giãn cách giữa người lao động với nhau để đảm bảo được các biện pháp phòng chống. Trong chế biến cũng vậy, nên dàn trải nhiều ca làm việc và các ca sản xuất cần ít người hơn để đảm bảo biện pháp phòng dịch 5K. Cùng với đó cần kiểm soát người lao động khi vào các nhà máy chế biến chè và đặc biệt là tăng cường ứng dụng cơ giới hóa cho cả khâu sản xuất nông nghiệp và khâu chế biến.
“Các doanh nghiệp chè cần kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp cơ khí để nghiên cứu cải tiến các dây chuyền nhằm tăng cường cơ giới hóa và tự động hóa. Xu hướng đào tạo công nhân tay nghề cao hơn, giảm thiểu lao động thủ công, nâng cao tay nghề cho người lao động có cơ hội tăng tiền lương, tiền công cho người lao động sẽ giữ chân được họ trong xu hướng lao động trong ngành chè đang bị các ngành công nghiệp như may mặc, điện tử và dịch vụ thu hút” Ông Nguyễn Hữu Tài chia sẻ.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.