Từ giữa năm 2019 thị trường bất động sản đã có dấu hiệu giảm tốc và sau tết thị trường tiếp tục bị “dội gáo nước lạnh” khi bị dịch Covid-19 hoành hành đã ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và địa ốc.
Mọi hoạt động mở bán, giới thiệu sản phẩm ra thị trường đều bị hủy bỏ, nhiều mặt bằng bán lẻ, nhà phố cho thuê hay khối đế chung cư, cao ốc… đều bị trả lại; các phân khúc bất động sản nhà ở đều “đứng hình”, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tê liệt khiến doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm, doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn hơn bao giờ hết.
|
|
Hiện đại dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống và cũng là lúc nhiều doanh nghiệp địa ốc phải đối diện với muôn vàng khó khăn. Thể hiện rõ nhất là tình trạng nhiều dự án đang chậm tiến độ mà nguyên nhân đến từ việc thiếu hụt nguồn nhân công sau Tết cùng với việc dịch bệnh trong thời gian qua khiến hầu hết các công trình ngưng trệ, ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ xây dựng các dự án nhà ở.
Theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản “bất động” trong một thời gian và điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng của các doanh nghiệp bất động sản đang ở mức cao, áp lực trả lãi vay, nợ vay rất lớn, với sự tác động của dịch bệnh Covid-19 có thể dẫn đến nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh mất khả năng thanh toán, phá sản, thu gọn quy mô và diện tích kinh doanh.
Cũng theo VNREA, không riêng gì các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản nhà ở mà các doanh nghiệp hoạt động xây dựng và cung ứng nguyên vật liệu, vật tư xây dựng cũng bị gián đoạn do công trường phải dừng thi công. Nhu cầu khách hàng mua giảm, đặc biệt trước những dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu và trong nước tác động trực tiếp tâm lý của khách hàng, tâm lý chờ đợi, thăm dò thị trường của người dân, cũng như việc nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bán hàng "cắt lỗ" cũng khiến cho thị trường càng khó khăn hơn. Do đó, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua cơn khủng hoảng.
Mặc dù Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và địa phương đã kịp thời có những cơ chế chính sách cùng nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng VNREA cho biết, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ này.
Cụ thể, đối với lĩnh vực tín dụng, doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn về hồ sơ chứng minh ảnh hưởng của dịch bệnh. Chẳng hạn, để được hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp phải cung cấp hồ sơ, thủ tục để chứng minh ảnh hưởng của dịch bệnh và các thủ tục này thực sự rất phức tạp. Vì vậy, mức hỗ trợ đưa ra dường như chỉ mang tính “hình thức”. Trên thực tế, một số doanh nghiệp tính toán, họ chỉ được giảm 0,2 - 0,5%/năm lãi suất chứ không được đến 2-3%/năm lãi suất như các ngân hàng công bố.
Đối với thuế, doanh nghiệp cũng gặp vướng khi phải chứng minh bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ. Tuy nhiên để đánh giá thế nào là “ảnh hưởng trực tiếp” thì không hề đơn giản và có thể có những cách hiểu khác nhau, chưa kể nếu áp theo quy định thì còn có nhiều thủ tục hành chính cần phải thực hiện để được hỗ trợ...
Do đó, để “giải cứu” cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA cho rằng, các cơ quan liên quan cần xem xét đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Về tín dụng, cần quy định cụ thể, chi tiết danh mục hồ sơ, thủ tục để các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thực hiện việc xin hỗ trợ lãi suất theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, không gây khó khăn.
Ngoài ra, cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các dư nợ gốc và lãi kéo dài thêm một năm kể từ ngày cuối cùng của thời hạn trả nợ (thay vì quy định cơ cấu lại thời gian trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn vay như Thông tư số 01/2020/TT-NHNN đang quy định). Hỗ trợ cho vay với lãi suất 0% (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 và giảm 50% lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) đến ngày liền kề sau 12 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.
Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, do dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng đối với tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì vậy cần áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời gian công bố dịch. Đề nghị miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong thời gian có dịch; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và 50% thuế giá trị gia tăng trong thời hạn 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất trong thời gian có dịch và 12 tháng sau khi hết dịch để đảm bảo doanh nghiệp tập trung nguồn lực phát triển dự án, kế hoạch sản xuất đủ thời gian phục hồi, tuyển dụng nhân sự, người lao động.
Giảm mức ký quỹ dự án đầu tư bởi theo quy định của Luật Đầu tư 2014, mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án từ 1-3% vốn đầu tư của dự án. Số tiền này là rất lớn, gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện dự án. Vì vậy, kiến nghị cho phép các Nhà đầu tư chậm nộp tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện các dự án.
Cùng với việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho từ quý 3 năm 2020 đến quý 2 năm 2020, VNREA cho rằng, cần miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021; giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất trong thời gian có dịch và 12 tháng sau khi hết dịch để đảm bảo doanh nghiệp tập trung nguồn lực phát triển dự án, kế hoạch sản xuất đủ thời gian phục hồi, tuyển dụng nhân sự, người lao động, đặc biệt xem xét giảm tiền thuê đất năm 2020 và 2021 cho các doanh nghiệp.
Tấn Lợi
Theo Chất lượng Cuộc sống