Thống kê của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy, tính dến cuối năm 2021, Việt Nam đã có gần 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế). Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hàng triệu người.
Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng. Phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng năm 2022, cả nước có 163,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Nhưng ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 112,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Phát biểu tại toạ đàm, TS Đỗ Diệu Hương – Trung tâm Kinh tế xanh và Phát triển bền vững, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Bên cạnh những đóng góp và thành tích vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua thì cũng còn tồn tại những hạn chế, yếu kém cần khắc phục để phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển mới.
- Năng lực của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, do đa phần doanh nghiệp Việt Nam là những DN nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ nên chủ các doanh nghiệp vẫn giữ thói quen quản lý cũ, một bộ phận lớn doanh nhân chưa được đào tạo bài bản, kỹ năng quản trị DN yếu, nhất là kỹ năng quản trị DN theo hướng hiện đại; sự an hiểu về pháp luật và khả năng hội nhập quốc tế hạn chế.
- Cơ chế chính sách của nhà nước về hỗ trợ và khuyến khích phát triển cho doanh nghiệp, doanh nhân đã được ban hành xong còn chưa sát với điều kiện thực tế, chưa khuyến khích được doanh nghiệp, doanh nhân tham gia. Chưa xây dựng được văn hóa doanh nhân nên còn tình trạng doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật, làm ăn phi pháp, tính liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp chưa cao, ý thức cộng đồng và xã hội còn hạn chế, Những hạn chế, yếu kém trên do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân sâu xa từ điêu kiện kinh tế - xã hội nông nghiệp, chưa có truyền thống kinh doanh; có nguyên nhân do sự mới mẻ, hấp dẫn của kinh tế thị trường cùng với những yếu tố tự phát, tiêu cực chứa đựng rủi ro của nó; có nguyên nhân tử hạn chế về tri thức, trình độ văn hóa, năng lực kinh doanh, ý thức pháp luật của doanh nhân; có nguyên nhân từ những bất cập của luật pháp và công tác quản lý nhà nước...
Cũng tại hội thảo, TS Đỗ Diệu Hương đã đưa ra những giải pháp nhằm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc CMCN 4.0:
Thứ nhất, cần xây dựng, hoàn thiện môi trường, thể chế đầu tư, phát triển đất nước nhanh, đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với doanh nhân và các loại hình doanh nghiệp gắn với chủ trương, chính sách phát triển đất nước theo hướng bền vững, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo ngăn ngừa, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp.
Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật; khẳng định, bảo vệ, tạo điều kiện, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước, cho cộng đồng xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chân chính, tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế.
Thứ ba, xã hội và bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong quá trình CNH, HĐH và CMCN 4.0. Tạo điều kiện thuận lợi; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH và CMCN, bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Thứ tư, phát huy vai trò của các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Thông qua các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thứ năm, đệ cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Xây dựng chuẩn mực của doanh nhân Việt Nam yêu nước, sáng tạo, đam mê kinh doanh, chủ động hội nhập, dám nghĩ, dám làm, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, có văn hóa và tuân thủ pháp luật. Xây dựng chính sách thúc đây phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; khuyến khích sử dụng lao động địa phương, lao động người dân tộc thiểu số, lao động nữ, con em gia đình chính sách, người khuyết tật. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích để bảo đảm tính hiệu quả, bền vững của liên kết “5 nhà” trong quá trình phát triển. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nhân đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng “công nghệ xanh”, đổi mới sản phẩm dịch vụ và tăng cường liên kết doanh nghiệp, chú trọng xây dựng, tôn vinh, quảng bá, khẳng định giá trị hàng hóa và thương hiệu Việt Nam.
Thứ sáu, công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ để bảo đảm quyền lợi đầu tư và giảm thiểu rủi ro kinh doanh cho doanh nhân, doanh nghiệp. Đồng thời hạn chế tình trạng tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm giữa doanh nhân với những người hoạch định chính sách. Xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân có hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo, gian lận, làm hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường,... làm tổn hại sức khỏe, tài sản người tiêu dùng, lũng đoạn thị trường, thất thoát tài sản, tiền bạc của Nhà nước.
Thứ bảy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát huy vai trò của doanh nhân trong của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc CMCN 4.0. Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong đội ngũ doanh nhân, nhất là ở các doanh nghiệp, ngành nghề giữ vị trí quan trọng của nền kinh tế. Nâng cao giác ngộ chính trị cho doanh nhân, người sử dụng lao động, bảo đảm doanh nghiệp hoạt động theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm tỷ lệ hợp lý đại diện của doanh nhân trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Đặc biệt, doanh nhân là đảng viên trong các loại hình doanh nghiệp phải là những người gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống, có tài kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, hết lòng vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích của người lao động và có trách nhiệm cao với cộng đồng xã hội.