Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11 tiếp tục khởi sắc

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 365,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 13,2%

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11 tiếp tục khởi sắc - Ảnh 1

Thông tin từ Tổng cục thống kê, tính chung 11 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.590,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,1%).

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 365,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 13,2%, chủ yếu do các cơ sở kinh doanh trong tháng giới thiệu nhiều chương trình khuyến mại đã thu hút người tiêu dùng tới mua sắm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% và giảm 6,5%, doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% và giảm 68,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 50 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và giảm 0,7%.

Thị trường bán lẻ thay đổi dần từ kênh bán hàng truyền thống và hiện đại sang kênh bán hàng trực tuyến, các doanh nghiệp linh hoạt thích ứng với sự thay đổi về hành vi mua sắm và thị hiếu của người tiêu dùng, trong đó hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng được ưa chuộng.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11 đạt 365,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,8% tổng mức và tăng cao 13,2% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhu cầu mua sắm của người dân đã tăng trở lại. Trong đó một số ngành hàng tăng mạnh: Đồ dùng, dụng cụ, thiết bị gia đình tăng 15,5%; hàng may mặc tăng 14,5%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 12,5%; lương thực, thực phẩm tăng 12,4%; xăng, dầu các loại tăng 11,9%.

Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng hoạt động thương mại và dịch vụ trong tháng Mười Một vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định.

Tháng 11, thời tiết chuyển mùa, các cơ sở kinh doanh có nhiều chương trình khuyến mãi vào các ngày đặc biệt như ngày Single Day (ngày Lễ Độc thân 11/11); ngày Black Friday (ngày hội mua sắm 29/11) được phổ biến rộng rãi từ nước ngoài vào Việt Nam trong những năm gần đây. Ngoài ra, trong tháng còn có ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) nên đã thu hút đông đảo người tiêu dùng tới mua sắm góp phần làm tăng doanh thu của các cơ sở kinh doanh thương mại.

Đối với du lịch lữ hành, doanh thu tháng 11 ước tính đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 68,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế – xã hội trên cả nước đã trở lại bình thường, thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, nhiều địa phương tiếp tục tổ chức hoạt động du lịch nhằm hút khách dịp cuối năm, từng bước khôi phục lại hoạt động của ngành Du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, bằng các biện pháp phòng chống đã giúp cho hoạt động của các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống được đẩy mạnh theo hướng ngày càng phong phú và đa dạng, cải thiện chất lượng để phục hồi và phát triển. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 11/2020 đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú chiếm 9,2%, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm 90,8%, tăng 3,0% và giảm 5,0%.

Doanh thu dịch vụ khác tháng 11 ước tính đạt 49,2 nghìn tỷ đồng tăng 1,7% so với tháng trước và giảm 0,7% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Huy Đức