Đồng nai tiếp tục chọn nhà đầu tư xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức đối tác công tư

Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai được giao chủ trì, phối hợp với Sở GTVT cùng đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận lựa chọn nhà đầu tư lập đề xuất dự án theo đúng quy định; kết quả thực hiện phải báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/4/2020.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có thông báo kết luận của Phó chủ tịch Trần Văn Vĩnh tại buổi làm việc nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái.

Tại kết luận, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai ghi nhận ý kiến của liên danh Tổng công ty IDICO và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 về việc nghiên cứu triển khai thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai được giao chủ trì, phối hợp với Sở GTVT cùng đơn vị liên quan căn cứ văn bản số 9343/UBND-CNN ngày 4/9/2018 về việc triển khai nhiệm vụ của các sở ngành trên điịa bàn tỉnh khi thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận để lựa chọn nhà đầu tư lập đề xuất dự án theo đúng quy định; kết quả thực hiện phải báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/4/2020.

Kết luận của Phó chủ tịch Trần Văn Vĩnh tại buổi làm việc nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái.
Kết luận của Phó chủ tịch Trần Văn Vĩnh tại buổi làm việc nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái.

Trước đó, vào tháng 8/2019, Thủ tướng đã có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái với tổng mức đầu tư gần 7.200 tỷ đồng và dự kiến sẽ được khởi công từ năm 2020.

Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã thống nhất lựa chọn 2 phương án vị trí xây dựng cầu Cát Lái. Cụ thể, theo phương án 1 (hồ sơ trình bổ sung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5/2017), hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy rồi đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2, TP.HCM, sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Còn phương án 2, thì vị trí cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường Vành đai 2 (cách cổng trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1km), rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2, TP.HCM, sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Trong cả 2 phương án này, cầu Cát Lái được đề xuất lựa chọn xây dựng với quy mô có 4, 6 hoặc 8 làn xe. Thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai sẽ làm việc với các cơ quan chức năng TP.HCM để lựa chọn phương án thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay cả 2 phương án vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ phía TP.HCM. Bởi nếu theo hai phương án này, TP.HCM sẽ gặp khó khăn khi phải thực hiện điều chỉnh quy mô đường Nguyễn Thị Định.

Theo kế hoạch, cầu Cát Lái được chia làm 3 dự án thành phần, dự kiến gồm phần đường dẫn phía TP.HCM dài 623m, quy mô mặt cắt ngang rộng 60m. Đồng Nai kiến nghị Chính phủ giao UBND TP.HCM triển khai thực hiện theo loại hợp đồng BT. Phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai dài 263m, rộng 56m sẽ do tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hợp đồng BT. Phần cầu chính sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện theo hợp đồng BOT.

Đối với phần cầu chính, trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hợp đồng BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT. Quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. 

Theo Nhà đầu tư

Chu Ký

Từ khóa: