Liên tục lập đỉnh
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng thu về 1,63 tỷ USD, vượt xa các dự báo trước đó của ngành nông nghiệp.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ước tính, hết tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này ước đạt trên 2 tỷ USD. Dự báo năm 2023, mặt hàng được coi là “vua trái cây” của Việt Nam sẽ thu về 2,3-2,5 tỷ USD.
Cơn sốt giá sầu chưa từng có trong lịch sử này kéo dài cả năm nay, tại khắp các vùng trồng ở nước ta, giá sầu tăng rõ rệt so với năm 2022. Được biết, những ngày gần đây giá sầu riêng tại khu vực Tây Nam Bộ đã tăng cao kỷ lục. Theo đó, sầu riêng ở được thu mua xô tại vườn với giá 90.000-100.000 đồng/kg tuỳ loại.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, kim ngạch nhập khẩu lên tới vài tỷ USD mỗi năm. Không chỉ cuồng ăn sầu riêng tươi, người Trung Quốc còn chế biến rất nhiều món ăn khác nhau và trở thành "hot trend". Ông Nguyên cũng dự báo trong năm 202 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt tới con số 3 tỉ USD.
“Việt Nam chỉ mới xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được 1 năm nhưng kim ngạch sầu riêng đã đạt gần 2 tỷ USD. Những năm tới, nếu quảng bá và xây dựng tốt thương hiệu sầu riêng Việt Nam, xuất khẩu mặt hàng này của nước ta sang Trung Quốc có thể bắt kịp Thái Lan.”
Cẩn trọng với cây sầu riêng
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay diện tích trồng sầu riêng trên cả nước là 112,2 nghìn ha (tăng hơn 27,3 nghìn ha so năm 2021), sản lượng 863,3 nghìn tấn.
Quả sầu riêng tiêu thụ thuận lợi, giá đứng ở mức cao, người trồng có lãi lớn dẫn đến quy mô sản xuất sầu riêng tăng nhanh chóng. Theo thống kê, giai đoạn 2015-2022, diện tích sầu riêng cả nước tăng từ 32 nghìn ha lên hơn 112,2 nghìn ha, bình quân tăng 10 nghìn ha/năm; năng suất sầu riêng tăng từ 14,7 đến 15,7 tấn/ha; sản lượng tăng từ 366 nghìn tấn lên hơn 863 nghìn tấn, bình quân tăng 62,1 nghìn tấn/năm.
Nhằm phát triển bền vững cây sầu riêng, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn, xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu phù hợp; kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.
Đặc biệt, khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà-phê, hồ tiêu trồng xen sầu riêng ở Tây Nguyên đang có hiệu quả sang trồng thuần sầu riêng; hướng dẫn nông dân thực hiện trồng rải vụ thu hoạch sầu riêng linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường…
Xây dựng chuỗi giá trị bền vững
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, muốn ngành hàng sầu riêng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin; còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ, thì rất dễ rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác.
“Nông nghiệp của chúng ta là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đầy đủ thông tin để điều chỉnh sản xuất…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt ra yêu cầu để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng.
Bên cạnh đó, mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tiến tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát. Muốn làm được điều này, trước tiên chính quyền địa phương phải thay đổi tư duy.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất sẽ tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa với nhau. Bởi lẽ, ngày nào chưa làm được điều này vẫn là tư duy thuận mua vừa bán, chứ chưa phải tư duy hợp tác, thì sẽ rất khó phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng.