Việc tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 nhằm mục đích thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng. Từ đó, đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo 2023 được tổ chức tại Hậu Giang không chỉ là niềm tự hào của tỉnh mà còn là niềm tự hào của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đây là sự kiện quy mô, tầm cỡ nhất trong suốt hành trình 14 năm kể từ khi Festival lúa gạo lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2009.
Đây cũng là sự kiện đánh dấu sự “chuyển mình” của ngành hàng lúa gạo từ giá bán thấp sang lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, từng bước hướng đến sản xuất lúa hữu cơ, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Về công tác tổ chức, theo sự phân công thống nhất giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và UBND tỉnh Hậu Giang, Bộ sẽ chủ trì thực hiện 5 nội dung chính gồm: Trình diễn máy móc, thiết bị canh tác lúa gạo; Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam – châu Phi, Hợp tác Nam – Nam, hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực; Hội nghị phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững; Hội thảo tình hình lúa gạo toàn cầu và xu hướng trong thời gian tới; Hội thảo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành lúa gạo.
Chia sẻ về sự kiện lần này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết: "Festival này là một sự kiện ý nghĩa, quan trọng, khẳng định vai trò, định vị ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nước cũng như khu vực quốc tế".
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang. Festival diễn ra với các hoạt động lễ hội, hội thảo, hội thi, xác lập kỷ lục… Đây là cơ hội tốt đối để tỉnh thu hút, tăng cường truyền thông cho địa phương.
Festival Lúa gạo Việt Nam năm nay dự kiến có khoảng 500 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP và các chương trình ẩm thực từ gạo. Trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam năm 2023, sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội, sản xuất lúa gạo Hậu Giang và các tỉnh, thành phố trong cả nước; hội thi "Món ngon từ gạo - nếp Việt Nam"; hội thi "Nhà nông trẻ chuyên nghiệp tỉnh Hậu Giang"; hội thi "Món ngon Nam bộ"; tổ chức famtrip tham quan trong địa bàn tỉnh…
Trong khuôn khổ sự kiện, Ban tổ chức sẽ phát hành ấn phẩm Truyền thông "Việt Nam - Con đường lúa gạo mới" nhằm giới thiệu, quảng bá thành tựu của ngành lúa gạo Việt Nam; Hành trình Festival lúa gạo Việt Nam đưa hạt gạo Việt Nam vươn tầm quốc tế. Các ấn phẩm này sẽ truyền tải thông điệp ý nghĩa về vai trò của ngành nông nghiệp nói chung, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và quốc tế.
Từ ngày 11/12/2023 - 3/1/2024 tại bờ kè kênh xáng Xà No, triển lãm "Con đường lúa gạo Việt Nam" có những mô hình thể hiện quá trình phát triển nghề trồng lúa Việt Nam từ khi làm nông nghiệp: Sơ khai, nông nghiệp kinh tế tiểu nông, nông nghiệp thời công nghiệp hóa, nông nghiệp hiện đại 4.0, tái hiện quá trình "trên bến dưới thuyền" của người dân Nam bộ. Cuối con đường là bản đồ lúa gạo được làm từ gạo đặc sản của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với kích thước chiều ngang 3m, cao 9m.
Festival cũng là hoạt động thiết thực và cũng là cơ hội để người dân, doanh nghiệp trong nước tiếp cận với những thành tựu trong suốt thời gian vừa qua chúng ta đạt được và được thế giới công nhận, góp phần vào trong sự nghiệp phát triển kinh tế Việt Nam.