HĐQT CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – Mã: FRT) mới đây đã thông qua Nghị quyết về phương án góp thêm vốn vào CTCP Dược phẩm FPT Long Châu.
Theo đó, FRT quyết định tăng tỷ lệ sở hữu từ 85,07% lên 89,93%. Hình thức góp vốn là mua 22,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp.
FPT Retail cũng uỷ quyền cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Điệp, hiện là người đại diện vốn góp của công ty tại Long Châu quyết định các vấn đề và thực hiện các thủ tục cần thiết cho việc góp vốn.
Chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail tính đến ngày 30/9 có tổng cộng 791 nhà thuốc trên toàn quốc.
Năm nay, Long Châu sẽ đẩy mạnh tiến độ mở rộng vùng phủ ra 63 tỉnh, thành nhằm nâng cao vị thế trên thị trường bán lẻ dược phẩm. Dự kiến, công ty sẽ mở mới 300 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng dự kiến lên khoảng 700 – 800. Với tốc độ mở mới hiện tại, FPT Retail hoàn toàn có khả năng vượt mục tiêu đã đề ra về quy mô số lượng cửa hàng thuốc cho cả năm 2022.
Về hoạt động kinh doanh tại FPT Retail, trong quý III/2022 ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng đến 54% so với cùng kỳ, đạt 7.709 tỷ đồng, giá vốn cũng tăng mạnh 52%, lên hơn 6.000 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, công ty ghi nhận biên lợi nhuận gộp đạt 1.197 tỷ đồng, tăng 72% so với con số cùng kỳ là 694,5 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm nhẹ 14%, còn 45 tỷ đồng, thì hầu hết các chi phí đều có mức tăng mạnh, đặc biệt chi phí bán hàng gần gấp đôi cùng kỳ, lên hơn 865 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 66% lên 63,4 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay chiếm 60,5 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Công ty báo lãi sau thuế 85,2 tỷ đồng, tăng 78% so với con số cùng kỳ là 47,2 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2022, doanh thu FPT Retail đạt 21.786 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 301 tỷ đồng, tăng khoảng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ 2021.
Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của FRT đạt gần 10.000 tỷ đồng, giảm hơn 700 tỷ so với hồi đầu năm, trong đó công ty đang cho Tập đoàn FPT vay 4.120 tỷ nợ dài hạn và 90 tỷ ngắn hạn, giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãi vay tăng mạnh khiến số tiền cho vay trong kỳ của FRT giảm mạnh từ mức hơn 9.600 tỷ đồng xuống còn dưới 7.000 tỷ đồng. Ngược lại, trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, FRT tăng trả nợ gốc với dòng tiền lên đến 13.000 tỷ đồng.