Gặp người đưa sản phẩm đặc trưng từ cây quất Cẩm Hà (Hội An) vươn xa

Lớn lên tại vùng quê Cẩm Hà- Một địa danh thuộc ngoại ô của phố cổ Hội An, nơi  trồng và cung cấp quất cảnh tết cho thị trường cả nước, Nguyễn Thị Phúc luôn tâm niệm phải làm gì đó để mang thương hiệu cây quất quê mình đi xa hơn, mang lại nhiều ích lợi hơn cho xã hội. Nghĩ rồi làm, cuối cùng chị đã thành công với các sản phẩm từ cây quất tết quê mình.

Giữa trưa nắng nóng ngày đầu tháng 6 dương lịch, trong một chuyến công tác tại xã Cẩm Hà (TP Hội An, Quảng Nam), tôi được một người bạn thân mời ly trà quất (dân địa phương còn gọi là trà tắt). Ly trà vừa thanh mát, đượm ngọt và thơm đặc trưng của vị quất quyện với hương của sả (một loại cây dược liệu quen thuộc ở địa phương này) làm tôi dịu hẵn cơn khát.

Chị phúc cùng những sản phẩm tâm đắc của mình góp phần đưa những sản phẩm Hội An vươn xa
Chị phúc cùng những sản phẩm tâm đắc của mình góp phần đưa những sản phẩm Hội An vươn xa

Thấy hương vị khá đặc trưng và ấn tượng của ly trà này, tôi hỏi bạn: “Trà gì mà ngon và thơm quá vậy ?”. Bạn tôi bảo: “Đặc sản của quê mình đấy- “Tắt Cẩm Trà” !”. Câu trả lời của bạn khiến trí tò mò trỗi dậy để tôi tìm hiểu về loại trà và người tạo ra thương hiệu “Tắt Cẩm Trà” này.

Sau cuộc gọi chưa đầy 10 phút, một cô gái trẻ với nước da ngăm nâu sạm màu của nắng đi trên một chiếc xe gắn máy chạy tới. Bạn tôi bắt tay và giới thiệu đây là chị Phúc (Phúc Nguyễn Rose).

Chưa kịp để tôi mường tượng cái tên “Phúc Nguyễn Rose” thì cô gái nhanh nhảu nói ngay: “Em tên là Phúc. Em từng làm trà hoa hồng nên mọi người hay gọi em là Phúc Nguyễn Rose”.

Qua lời của cô gái, tôi được biết, chị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cẩm Hà này. Từ nhỏ, chị đã gắn bó với các loại cây, nông sản của địa phương, trong đó có cây quất (còn gọi là cây tắt), cây sả và nhiều loại cây hoa, quả khác như hoa hồng.

“Quất (tắt) quê em được người dân trồng nhiều để bán cây cảnh vào dịp tết. Từ nhỏ, em cũng được mẹ hay cho uống nước tắt hoà với đường để giải khát. Tắt cũng được bào lấy sợi rim với đường để là mứt rất ngon. Không biết từ bao giờ em không nhớ nữa nhưng trong lòng luôn thôi thúc mình phải làm cái gì đó từ cây tắt, tạo ra một sản phẩm gì thật đặc trưng để mang thương hiệu tắt Cẩm Hà- Hội An đến với mọi người”- chị Phúc tâm sự.

Cũng theo lời chị, ban đầu từ sự đam mê với hoa hồng, chị đã đi nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người để học chế biến trà hoa hồng. Trước năm dịch COVID-19, lần đầu tiên chị mạnh dạn cho ra sản phẩm “Trà hoa hồng hữu cơ” thương hiệu Cẩm Hà- Hội An. Do mới và bằng phương pháp thủ công nên sản phẩm làm ra không nhiều, chủ yếu cung cấp cho các quầy nước giải khát ở địa phương. Sau đó, chị tiếp tục cho ra đời thêm Bột hoa hồng hộp, Toner Hoa Hồng chai, bỏ sỉ và lẻ cho các cửa hàng và các quán cốc ở Cẩm Hà và nội ô TP Hội An.

Tuy nhiên, “Tắt Cẩm Trà” và Quất sấy sợi mới là sản phẩm mà chị tâm đắc nhất. Theo chị Phúc, đã không biết bao nhiêu lần thất bại, cứ làm ra rồi lại đổ bỏ. Mỗi ngày chị làm nhiều mẻ trà tắt và quất sợi nhưng vẫn không như ý nên đem đổ bỏ. Tốn kém thời gian, công sức và chi phí nhưng chị vẫn tin tưởng sẽ có ngày mình thành công.

Năm 2021, được UBND TP Hội An hỗ trợ thông qua chương trình khởi nghiệp do UBND tỉnh Quảng Nam phát động, chị lần đầu tiên đưa sản phẩm Trà tắt của mình ra mắt tại phiên chợ khởi nghiệp của tỉnh. Sau đó, chị vừa không ngừng cải tiến sản phẩm, vừa tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu các mô hình khởi nghiệp sản phẩm địa phương của Hội An, tỉnh Quảng Nam và nhiều địa bàn lân cận khác.

“Mình xác định, đây là cơ hội để học hỏi, tìm hiểu và tìm ra con đường đi cho sản phẩm của riêng mình”- Chị Phúc bộc bạch và cho biết thêm: “Trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19. Đây là khoảng thời gian để mình nhìn và nghiệm lại một thực tế là mọi người đều quan tâm đến sức khoẻ. Tôi luôn động viên chính mình, mình biết và rõ về cây tắt, chắc chắn có ngày sản phẩm Trà tắt hay Quật sấy sợi của mình sẽ được nhiều người để ý đến. Đặc biệt, cây tắt là một loại dược liệu, rất bổ ích với sức khoẻ con người. Vì thế, qua nhiều trăn trở, tìm hiểu từ sách vở, trên mạng…. mình tiếp tục bắt tay vào làm Trà tắt và cải tiến công thức cho ra Quật sấy sợi. Tuy nhiên lần này là mạnh dạn theo hướng sử dụng nguyên liệu tắt sạch, tắt được trồng phân hữu cơ có chọn lọc, hoàn toàn không phun thuốc trừ sâu và được tách, chế cẩn thận, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các nguyên liệu để chế biến cũng không dùng đường thông thường mà chỉ sử dụng đường phèn- loại đường ít ngọt, phù hợp với tiêu chí sử dụng của nhiều người”.

Qua những mẻ sản phẩm đã qua không biết bao nhiêu lần bị đổ bỏ phải  làm lại, dần dần chị Phúc cũng đã tìm ra được công thức để chế biến thành một loại Trà tắt khá đặc trưng, thơm ngon mà nhiều người hiện nay rất ưa thích. Chị đặt tên cho loại trà này là “Tắc Cẩm Trà”. Cái tên lồng ghép bao hàm về ý nghĩa của một miền quê Cẩm Hà mà chị từ nhỏ được lớn lên bên cây tắt.

Các thành viên Đoàn dự Án du lịch Thuỵ Sĩ đến khảo sát, dùng thử sản phẩm của chị Phúc tại vườn tắt và cơ sở sản xuất của chị.
Các thành viên Đoàn dự Án du lịch Thuỵ Sĩ đến khảo sát, dùng thử sản phẩm của chị Phúc tại vườn tắt và cơ sở sản xuất của chị.

“Với lợi thế ở Hội An, hằng ngày nhiều du khách nước ngoài tìm đến. Thế là mình tìm cách làm quen; mời du khách dùng thử trà miễn phí để trải nghiệm hương vị của “Tắc Cẩm Trà”…. Bên cạnh đó, mình cũng hỏi thăm, trao đổi, gợi ý để họ đóng góp giúp cho hương vị của trà thơm ngon hơn, hấp dẫn hơn. Cuối cùng, mình đã khởi nghiệp thành công với sản phẩm trà tắt hữu cơ, chế biến hoà quyện với sả (cũng là một loại cây dược liệu quý) và đường phèn; được áp dụng theo phương pháp khoa học hiện đại là sấy lạnh, không có chất bảo quản”- chị Phúc thông tin thêm.

Nói về sản phẩm tâm đắc của mình, chị Phúc chia sẻ: “Thực tế tại Hội An và nhiều nơi, lâu nay quả tắt (quật) chỉ được hái vào chế biến, hoà với đường để làm nước giải khát. Đến khi mình đưa ra thị trường “Tắc Cẩm Trà”, nhất là vào dịp tết đã được rất nhiều người ưa thích, mà trước hết là người dân địa phương và du khách ở Hội An sử dụng, rồi từng bước đã làm thay đổi thói quen, thị hiếu, cách thưởng thức từ loại trà mới mẻ và tốt cho sức khoẻ này như hiện nay. Ngoài ra, sau “Tắt Cẩm Trà”, mình tiếp tục hoàn thiện sản phẩm Quất sấy sợi cũng hết sức đặc trưng về hương vị, sự ngọt ngào của quất, được nhiều khách hàng ưu thích”.

Sản phẩm tắt sợi được đưa vào máy để sấy và làm lạnh
Sản phẩm tắt sợi được đưa vào máy để sấy và làm lạnh

Đánh giá về những đóng góp và các sản phẩm của chị Phúc trong việc tạo ra các sản phẩm và đưa thương hiệu địa phương đến với khách hàng gần xa, ông Mai Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: Cùng với “Tắc Cẩm Trà” chị Phúc còn cải tiến cho ra đời thêm một số sản phẩm khác từ cây quất địa phương.

Đặc biệt, nếu tại Hội An từ trước đến nay, quả quất được làm mứt nhưng chỉ với cách làm thủ công truyền thống là rim đường thì bây giờ chị Phúc là người đầu tiên đã mạnh dạng sử dụng phương pháp sấy sợi và làm lạnh bằng công nghệ hiện đại. Đặc biệt, chị rất nghiên ngặt trong sử dụng nguyên liệu từ quật hữu cơ, quật sạch để chế biến.

Sau quá trình cho ra sản phẩm, chị liên hệ với cơ quan chức năng để đưa đi kiểm tra, đánh giá kỹ. Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cho sản phẩm Quật sấy sợi của chị. Riêng “Tắc Cẩm Trà”, Trà hoa hồng hữu cơ, Bột hoa hồng hộp, Toner Hoa Hồng chai của chị là những sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm “Nông thôn tiêu biểu” cấp Thành phố.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, trong quá trình sản xuất các sản phẩm từ quất, tiêu chí ban đầu được chị Phúc đặt ra và tuân thủ là sự an toàn thực phẩm và đảm bảo sức khoẻ của người tiêu dùng. Nhờ tiếng lành đồn xa, các sản phẩm từ quả tất của chị Phúc đến nay đã được nhiều người ưa thích, mua để sử dụng và làm quà tặng người thân sau chuyến du lịch, công tác đến Hội An. Để tiếp tục tạo đầu ra ổn định, chị Phúc cũng đã có nhiều buổi gặp gỡ, tham gia nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, trưng bày sản phẩm với các đối tượng, địa bàn tiềm năng để mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, các nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng sạch, chợ, siêu thị tại Hội An, TP Đà Nẵng, TP Tam Kỳ môt số nơi khác hiện đã tin tưởng sử dụng sản phẩm của chị.

Theo chia sẻ của chị Phúc, trên nền tảng mạng xã hội như: facebook, zalo, các trang điện tử thương mại…. chị cũng thường xuyên giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ hiện nay đang được mở rộng ra cả nước và nhiều khách du lịch, các tổ chức quốc tế bước đầu cũng đã tìm hiểu, liên kết hợp tác, trong đó mới đây nhất là đoàn Dự án du lịch Thuỵ Sĩ đến khảo sát các cơ sở làm sản phẩm đặc trưng địa phương và các nhà vườn tại Hội An. Đoàn sau khi đến khảo sát, đã đánh giá cao phương pháp, kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm mà cị Phúc đang tâm huyết làm ra. Đồng thời, đây cũng là nền tảng để chị và các doanh nghiệp đi trong Đoàn xây dựng mối liên kết, hợp tác trong thời gian đến.

“Tôi mong rằng, thời gian tới sản phẩm của tôi sẽ được sự hỗ trợ hơn nữa của chính quyền và cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng để ngày càng đến với người tiêu dùng nhiều hơn. Trước mắt tôi đang liên hệ với địa phương và cơ quan chức năng để kiểm tra, công nhận là sản phẩm “Đặc sản của Hội An”- Chị phúc thông tin thêm.

Được biết, thời gian qua chị Phúc luôn dành nhiều quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống máy móc và công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, ban đầu do chưa có sản phẩm này trên thị trường nên thiết bị máy móc, nhất là hệ thống sấy sợi lạnh phải đặt hàng thiết kế riêng theo yêu cầu của chị Phúc. Từ khi có hệ thống máy móc này, các công đoạn sản xuất thủ công không còn nữa và thay vào đó toàn bộ các công đoạn sản xuất do máy móc, thiết bị hiện đại thực hiện, đảm bảo an toàn, chất lượng.

Ngoài ra, hiện chị Phúc còn ký hợp đồng hợp tác với các nhà vườn với tổng diện tích hơn 2.000 m vuông (khoảng hơn 3.000 cây tắt cho quả) để bao tiêu sản phẩm tắt sạch, tắt hữu cơ làm nguyên liệu cho sản xuất của mình./.

 Đình Tăng