Gia tăng quyền năng cho nữ lao động trong các doanh nghiệp khu công nghiệp

Ngày 27/05, Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) phối hợp với Công ty CP Shinec đã tổ chức Hội thảo “Gia tăng quyền năng cho Nữ lao động trong các doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp - Kiến tạo Giá trị Xã hội trong ESG” tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng.

ESG đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp tổ chức xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng vào vận hành.

Tại Việt Nam, có tới 80% doanh nghiệp cam kết hoặc lên kế hoạch triển khai ESG. Là một trong ba yếu tố tiêu chuẩn, việc xây dựng giá trị xã hội (S - Social) đang được đặc biệt chú ý.

 Kết quả Khảo sát tiêu chuẩn về Đa dạng và Hòa nhập (D&I) của PwC cho thấy, 75% trong số hơn 450 tổ chức trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được khảo sát đồng ý D&I là giá trị được ưu tiên hàng đầu. Người lao động ngày càng coi trọng việc môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập. Vì thế, việc xây dựng chính sách bình đẳng giới tại nơi làm việc và tăng cường quyền năng cho nữ lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, cũng đang trở thành một mục tiêu quan trọng.

Các đại biểu trong phiên tọa đàm“Vai trò của lãnh đạo trong việc tạo ra một môi trường làm việc Đa dạng, Bình đẳng và Hòa nhập tại Khu công nghiệp”  
Các đại biểu trong phiên tọa đàm“Vai trò của lãnh đạo trong việc tạo ra một môi trường làm việc Đa dạng, Bình đẳng và Hòa nhập tại Khu công nghiệp”  

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec cho biết: “Shinec đã đưa ESG vào chiến lược kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn của mình. Với Shinec, phát triển bền vững không chỉ chú trọng vào sự tiến bộ kinh tế và bảo vệ môi trường mà còn nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc. Để hoàn thiện mô hình phát triển bền vững của mình, chúng tôi đã áp dụng hiệu quả các chính sách về đa dạng, bình đẳng, hoà nhập, hỗ trợ nữ lao động tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Tại Hội thảo, chúng tôi mong muốn chia sẻ và lan tỏa những giá trị này tới cộng đồng”.

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec chia sẻ về giá trị và kinh nghiệm xây dựng Mô hình Khu Công nghiệp Xanh tại KCN Nam Cầu Kiền  
Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec chia sẻ về giá trị và kinh nghiệm xây dựng Mô hình Khu Công nghiệp Xanh tại KCN Nam Cầu Kiền  

Tiên phong trong việc xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp sinh thái, Công ty Cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu Công Nghiệp Nam Cầu Kiền là đơn vị tiên phong trong đầu tư nguồn lực để lập và công bố báo cáo ESG. Shinec đã áp dụng hiệu quả mô hình công nghiệp xanh tại Khu Công Nghiệp Nam Cầu Kiền với các giải pháp xanh và xây dựng các chuỗi cộng sinh công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Tại đây, hơn 1 triệu cây xanh (chiếm 33% diện tích đất khu công nghiệp) đã được trồng.25% lượng nước thải trong Khu công nghiệp sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả ra ngoài môi trường. Ngoài ra, Khu Công Nghiệp Nam Cầu Kiền cũng đã nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu về phát triển bền vững và quản lý môi trường như Xác lập kỷ lục Công trình Nhà máy xử lý nước thải trong khuôn viên Khu công nghiệp thiết kế theo mô hình vườn Nhật đầu tiên tại Việt Nam, Khu vườn Nhật lớn nhất Việt Nam trong khuôn viên Khu công nghiệp…

Hội thảo được tổ chức với 4 mục tiêu: Thứ nhất, Kết nối các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền, chia sẻ những kinh nghiệm thành công và các chiến lược hiệu quả để xây dựng môi trường xanh và công bằng tại các Khu Công nghiệp. Thứ hai là, Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại nơi làm việc và chuyển đổi nhận thức này thành các chương trình hành động cụ thể để gia tăng quyền năng cho nữ lao động. Thứ ba là, Trao đổi và học hỏi các phương pháp để nâng cao quyền năng cho nữ lao động tại các Khu Công nghiệp. Cuối cùng là, Thảo luận các chính sách và hoạt động nhằm hỗ trợ lao động nữ, đồng thời thúc đẩy vai trò của công đoàn trong việc kiến tạo môi trường làm việc đa dạng, công bằng và hội nhập cho lao động nữ.

Quang cảnh buổi hội thảo  
Quang cảnh buổi hội thảo  

Để đạt được các mục tiêu đó, Hội thảo tập trung vào 2 nội dung chính:

Tham luận: Mô hình Khu Công nghiệp Xanh: Đa dạng, Bình Đẳng và hoà nhập tập trung vào bình đẳng giới – Sáng kiến cho phát triển bền vững tại Khu công nghiệp.

Phiên thảo luận: Vai trò của lãnh đạo trong việc tạo ra một môi trường làm việc Đa dạng, Bình đẳng và Hòa nhập tại Khu công nghiệp.

Bà Cherie Russell, Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam chia sẻ: “Trong hơn 50 năm qua, Úc đã đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ sáng kiến này ngày hôm nay vì chúng tôi tin vào sự thành công của Việt Nam, điều này có ý nghĩa lớn lao đối với Úc. Một Việt Nam ổn định, thịnh vượng và an ninh không chỉ có lợi cho chính Việt Nam mà còn cho toàn khu vực, nơi mà Úc và Việt Nam đều là thành viên. Khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần đáng kể vào thành tựu của Việt Nam trong ba thập kỷ vừa qua, và các bạn có khả năng tiếp tục định hình một Việt Nam xanh hơn, công bằng và hòa nhập hơn - thực hiện những điều đúng đắn cho quốc gia, cho khu vực, đồng thời mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.”.

PV