Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I. Về phía Quảng Ninh có đại diện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú Y, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Hàu được nuôi tập trung chủ yếu tại các huyện: Vân Đồn, thành phố Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên. Năm 2020, diện tích nuôi Hàu của toàn tỉnh đạt 4.800 ha chiếm 21,4% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh. Sản lượng Hàu năm 2020 đạt 82.890 tấn, chiếm 51% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản (trong đó có 62.896 tấn Hàu Thái Bình Dương, khoảng 20.000 tấn Hàu cửa sông). Quý I năm 2021, diện tích nuôi hàu chiếm khoảng 2.400 ha, sản lượng hàu đạt 26.940 tấn. Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 11 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống Hàu, với công suất đạt 110 triệu con giống đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu con giống trên địa bàn. Phần còn lại chủ yếu được cung cấp từ các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và một số nước khác.
Với hơn 45 có sở sơ chế, chế biến Hàu trong những năm qua ngoài tiêu thụ nội địa, giống Hàu Thái Bình Dương được nuôi tại Quảng Ninh đã được các cơ sở, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đi các nước. Trong đó, chủ yếu là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đây là thị trường tiềm năng đối với sản phẩm Hàu Thái Bình Dương. Phát triển diện tích nuôi Hàu Thái Bình Dương đã mang lại sinh kế và nguồn thu nhập cho người dân tại tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh định hướng phát triển bền vững vùng nuôi Hàu tập trung, kiểm soát chuỗi giá trị từ khâu sản xuất giống, vùng nuôi trồng, cơ sở sản xuất chế biến, đến các sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khác như, Đài Loan, EU, Trung Quốc…
Tuy nhiên, hiện nay tình hình nuôi Hàu tại tỉnh Quảng Ninh vẫn tồn tại một số khó khăn như: chưa chủ động trong cung ứng nguồn con giống, còn phụ thuộc nguồn giống bên ngoài, tình trạng người dân phát triển diện tích nuôi ồ ạt, dễ phá vỡ quy hoạch dẫn đến khó quản lý và kiểm soát môi trường nước. Đầu tư của doanh nghiệp vào sơ chế, chế biến sản phẩm chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển, đa phần quy mô doanh nghiệp nhỏ, ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư công nghệ hiện đại còn hạn chế, chuỗi giá trị chưa khép kín. Hoạt động xúc tiến thương mại chưa tạo sự liên kết sâu. Đặc biệt, các rào cản thương mại của một số nước đang là cản trở quá trình thúc đẩy xuất khẩu…
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo định hướng phát triển bền vững ngành thủy sản trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quy hoạch, tạo quỹ đất, mặt nước ổn định để tiếp tục thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh hoặc xây dựng các cơ sở ương dưỡng giống theo chuỗi liên kết đảm bảo con giống rõ nguồn gốc, thích nghi được với điều kiện môi trường nuôi. Đồng thời, siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch; khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu...
Đối phát triển chuỗi giá trị Hàu, hiện nay tỉnh mong muốn các cơ quan ban ngành, các đơn vị quản lý phối hợp tỉnh Quảng Ninh tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hành lang pháp lý về quy hoạch ngành tích hợp vào quy hoạch chung về kinh tế - xã hội của tỉnh, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến phân định vùng để áp dụng chính sách giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Bên cạnh đó, cần chuyển giao nguồn giống bố mẹ để sản xuất Hàu giống đáp ứng được nhu cầu và chất lượng con giống. Để phát triển bền vững, đáp ứng với các điều kiện tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Công đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan có chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với Hàu tại Quảng Ninh. Cần có nghiên cứu các mối nguy liên quan đến an toàn thực phẩm để có những cảnh báo kịp thời đối với người nuôi, doanh nghiệp xuất khẩu. Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức cho người dân, doanh nghiệp trong việc kiểm soát, giám sát chất lượng đối với nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
Phát biểu tại kết luận, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đã đánh giá cao những định hướng phát triển ngành thủy sản của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.
Để phát huy tiềm năng và phát triển bền vững ngành thủy sản nói chung và chuỗi giá trị Hàu nói riêng của tỉnh Quảng Ninh, ông Trần Đình Luân đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần khép kín chuỗi liên kết trong sản xuất Hàu, đầu tư cơ sở hạ tầng trong ương dưỡng, phát triển con giống. Bên cạnh đó, kiểm soát tốt quy hoạch vùng nuôi Hàu, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường tại vùng nuôi. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi trồng, sản xuất chế biến để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những cơ sở không đủ điều kiện. Đẩy mạnh cấp mã số vùng nuôi, để đáp ứng về quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tiếp tục thực hiện Chương trình giám sát nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, triển khai kế hoạch giám sát chặt chẽ hơn nữa điều kiện an toàn thực phẩm đối với Hàu Thái Bình Dương xuất khẩu vào thị trường Đài Loan và các thị trường khác.
Tăng cường tập huấn cho người nuôi, các doanh nghiệp những kiến thức về điều kiện sản xuất, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất chế biến sản phẩm.
Giao Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh tiến hành chuyển giao nguồn giống Hàu bố mẹ để kịp thời sản xuất chủ động nguồn con giống đáp ứng nhu cầu trên địa bàn tỉnh.
Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì đầu mối phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh, Chi cục Thúy y nghiên cứu đánh giá mối nguy về an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất Hàu tại Quảng Ninh để có những cảnh báo và kiểm soát chất lượng sản phẩm đáp ứng điều kiện xuất khẩu.
Thy Anh (t/h)