Đề tài đã được triển khai thực hiện từ năm 2013 đến tháng 09/2016 đã được nghiệm thu phát huy kết quả của đề tài, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn trồng các giống chè Kim Huyên, PH8, PH10 làm nguyên liệu chế biến chè xanh và chọn giống LDP1 làm giống đối chứng; các giống PH11, Shan chất tiền, PH9 được trồng làm nguyên liệu chế biến chè đen và lựa chọn giống LDP2 làm giống đối chứng. Qua điều tra, khảo sát, nhóm nghiên cứu đã tiến hành trồng thử nghiệm giống chè mới phục vụ chế biến chè xanh với tổng diện tích 3 ha tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Trồng thử nghiệm một số giống chè phù hợp cho chế biến chè đen với diện tích là 3 ha tại xã Hoàng Khai (Yên Sơn).
Kết quả sau 3 năm nghiên cứu cho thấy, các giống chè trồng thử nghiệm đều có tỷ lệ sống đạt trên 85%. Nhóm giống chế biến chè xanh, các giống PH8, Kim Huyên cho năng suất cao hơn giống đối chứng, giống PH10 có năng suất thấp hơn giống đối chứng; nhóm giống chế biến chè đen, giống PH11, PH9 cho năng suất cao hơn giống đối chứng, giống chè Shan Chất tiền không có sự khác biệt về năng suất so với giống đối chứng. Tỷ lệ nhiễm bệnh của các giống trồng thử nghiệm thấp hơn giống đối chứng. Các mô hình được triển khai thực hiện theo mô hình VietGAP. Do vậy, dư lượng kim loại As, Cu, Pb, Cd, Zn đều trong ngưỡng cho phép.
Ông Đỗ Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Kết quả nghiên cứu của đề tài xác định được một số giống chè có năng suất, chất lượng cao, chế biến tạo ra sản phẩm chè xanh, chè đen có giá trị góp phần nâng cao thương hiệu chè Tuyên. Các khuyến cáo của đề tài sẽ là căn cứ khoa học để đưa giống mới phù hợp, có chất lượng vào thực tế sản xuất, tạo hiệu quả nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tăng được hiệu quả kinh tế trong sản xuất chè, cải thiện và từng bước nâng cao thu nhập cho người trồng chè. Việc trồng mới chè cũng làm tăng độ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch và kinh tế.
P.V