Khuyến khích nhiều phương án tuyển sinh
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố, năm 2021, trường dự kiến sử dụng ba phương thức xét tuyển với khoảng 7.000 chỉ tiêu. Trong đó, có xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức.
Cụ thể, xét tuyển tài năng (dự kiến 10 - 20% tổng chỉ tiêu, trong đó số lượng tuyển thẳng mỗi ngành không quá 30% chỉ tiêu của ngành đó). Phương thức xét tuyển thông qua Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT: Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi quốc tế; thí sinh đoạt giải quốc gia (nhất, nhì, ba) các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ, KHKT. Xét tuyển thẳng căn cứ kết quả thi chứng chỉ khảo thí ACT, SAT, A-Level và IELTS đối với thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên.
Bên cạnh đó, nhà trường vẫn duy trì xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT (dự kiến 50 - 60% tổng chỉ tiêu). Điều kiện tham gia phương thức xét tuyển này: Thí sinh có điểm trung bình sáu học kỳ của mỗi môn học ở bậc THPT trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 7.0 trở lên. Đặc biệt, nhà trường sẽ xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến 30 - 40% tổng chỉ tiêu). Kỳ thi được tổ chức sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại ba địa điểm của miền bắc. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là 8.000 - 10.000 thí sinh.
Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội cũng đang chuẩn bị tổ chức thi đánh giá năng lực trở lại để tuyển sinh đầu vào ngay trong kỳ tuyển sinh năm 2021. Dự kiến, ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực cho 10.000 thí sinh, chia làm bốn đến năm đợt thi từ tháng 5 đến tháng 10.
Các phương thức tuyển sinh dự kiến vào ĐHQG Hà Nội năm 2021, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét tuyển đối với các thí sinh có kết quả thi THPT năm 2021; học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương và có điểm thi SAT hoặc ACT theo quy định của ĐHQG Hà Nội; thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ quốc tế A-Level theo quy định của ĐHQG Hà Nội; thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL...), kết hợp với điểm hai môn thi trong tổ hợp xét tuyển của ngành (trong đó bắt buộc phải có môn Toán hoặc Ngữ văn); thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của từng ngành cụ thể; thí sinh là người nước ngoài hoặc người Việt Nam học tập THPT tại nước ngoài (xét tuyển theo quy định riêng của ĐHQG Hà Nội về xét tuyển người nước ngoài).
Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, bộ khuyến khích các trường tiếp tục thực hiện quyền tự chủ như sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, có thể tổ chức thi tuyển theo nhóm trường theo hướng gọn nhẹ, thi trong một buổi nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh. Bộ cũng khuyến cáo các trường nên giữ ổn định trong nhiều năm. Nếu có thay đổi lớn, trường cần thông báo trước hai đến ba năm.
Mong mỏi phương thức tuyển sinh minh bạch, nhẹ nhàng
Bộ GD&ĐT khẳng định, tuyển sinh ĐH sẽ được giữ ổn định trong giai đoạn 2021 - 2025, từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi như năm 2020, có sự phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và việc triển khai của địa phương, cơ sở GDĐH. Đặc biệt, phương hướng sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ hình thành các tổ chức, trung tâm khảo thí độc lập với ngân hàng đề thi chuẩn hóa, thi trên máy tính. Thí sinh có thể thi nhiều lần trong năm mà vẫn bảo đảm được tính minh bạch, công bằng giữa các lần thi.
Đến nay, các trường ĐH đều ủng hộ chủ trương giữ ổn định công tác tuyển sinh trong 5 năm tới. Thực tế hiện nay cho thấy, ít nhất 50% chỉ tiêu các trường vẫn dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, các trường cũng muốn bộ tiếp tục chủ trì trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhằm bảo đảm kỳ thi được diễn ra nghiêm túc, tạo niềm tin để các trường tiếp tục sử dụng kết quả để tuyển sinh. Bộ GD&ĐT cũng cần tiếp tục duy trì việc lọc ảo, cố gắng bảo đảm tính phân loại để các trường tuyển sinh tốt hơn. Các trường cũng mong sớm có các trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi, như cách thế giới đang làm, điều đó sẽ tạo thuận lợi cho các trường và cả thí sinh, đáp ứng yêu cầu của xã hội về một phương thức tuyển sinh minh bạch, nhẹ nhàng. Các trường cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2021 và lộ trình cụ thể giai đoạn 2021 - 2025 nhằm ổn định cách dạy ở trường THPT và để các trường đại học lên phương án, ổn định phương thức tuyển sinh.
Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH tăng cường tự chủ trong tuyển sinh. Với những đại học muốn tuyển chọn thí sinh có năng lực chuyên biệt, có thể thống nhất kết hợp thành nhóm, tổ chức bài thi đánh giá năng lực gọn nhẹ, kết quả được sử dụng cho công tác tuyển sinh của nhiều trường.
Bộ đã giao Cục Quản lý chất lượng xây dựng quy chế về những điều kiện, yêu cầu chuẩn mực về đề thi, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, công nghệ thông tin… để tiến tới thành lập trung tâm khảo thí độc lập. Yêu cầu là phải chuẩn hóa tổ chức thi, bài thi, bảo đảm tính công bằng, khách quan tuyệt đối để các trường tin tưởng và sử dụng kết quả. Trước khi có trung tâm khảo thí độc lập, việc thi tốt nghiệp THPT vẫn được tổ chức thi trên giấy. Nơi nào có điều kiện có thể tổ chức thi trên máy tính.
Bích Ngọc
Theo Thời Nay/Nhân dân