Trước những biến thiên, phong hóa của thời gian, lớp người làm nghề ướp trà cũng vì thế mà dần rơi rụng. May mắn thay, cho đến nay vẫn còn một số ít gia đình ở Quảng An còn lưu giữ nghệ thuật ướp trà tinh tế được mệnh danh là “tiên ẩm” này. Họ níu nghề bằng cách giữ những nét tinh hoa, những hương vị thơm nồng, ngan ngát mùi sen trong từng chén trà.
Cho hương sen Tây Hồ mãi lan tỏa
Hồ Tây là danh thắng bậc nhất của thủ đô, một phần nhờ có những đầm sen lớn ven hồ. Người xưa đã tự hào đặt câu ca rằng: “Đấy vàng đây cũng đồng đen/ Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ”. Sen Tây Hồ thường được gọi nôm là “bách diệp”, tức bông hoa có trăm cánh. Thứ hoa thanh khiết này đã được danh nhân của đất Thăng Long Nguyễn Quý Đức (1648 - 1720) vận vào những câu thơ trác tuyệt như: “Thuyền chứa nguyệt đài ngần ánh tuyết/ Viện lồng hoa diệp biếc đầm sương/ Sen xanh ấn trúc lung lay nguyệt/ Vừng biếc hoa mai phảng phất hương...”
Trà ướp hương sen Tây Hồ là một thức uống tao nhã trong văn hóa của người Hà Nội. Trà sen là sự hòa quyện hoàn hảo giữa vị ngon của trà với mùi thơm nhẹ nhàng tinh khiết của hoa sen tạo hương vị rất riêng biệt.
Nghệ thuật ướp trà sen là niềm say mê, niềm tự hào của người dân phường Quảng An, bởi thế mà từ đời này sang đời khác, nghề truyền thống ấy vẫn được tiếp nối như giữ lại một giá trị tinh túy cho mảnh đất và con người nơi đây. Vẫn là cách làm hoàn toàn thủ công, vẫn những nguyên liệu thơm ngon nhất cùng bí quyết gia truyền để tạo nên món quà độc đáo mang hương vị sen Hồ Tây.
Trà sen không lạ, nhưng lạ là phải đúng sen Bách Diệp trăm cánh được trồng ở khu vực Hồ Tây mới có thể ướp ra thứ trà tuyệt hảo. Mỗi năm vào tháng sáu, khi những búp sen bắt đầu nở rộ cũng là thời điểm các gia đình làm nghề ướp trà sen nơi đây tất bật vào vụ. Theo những nghệ nhân làm trà lâu năm, để làm được những mẻ trà sen ngon mất rất nhiều thời gian, công sức. Trong đó, loại sen làm trà phải là những bông sen mọc tại khu vực Hồ Tây có cánh phớt hồng, nụ vừa chớm nở cho hương thơm đậm đà.
Vào mùa sen nở, từ tờ mờ sáng, khi những giọt sương còn chưa tan, người làm trà sen dậy sớm chèo con thuyền nhỏ ra giữa hồ, khéo léo thu lượm từng búp sen còn đẫm sương đêm. Từng bông sen được hái thật nhanh với những thao tác nhẹ nhàng để búp sen không nhàu nát. Sau đó bông sen được đưa về nhà, người thợ thực hiện các công đoạn bóc cánh, tách gạo sen (thứ được ví như túi hương của bông sen). Việc lấy gạo sen là công đoạn khó, người làm phải nhẹ nhàng, khéo léo sao cho gạo sen không bị vỡ nát, bay mất hương thơm.
Để có chén trà thơm hội tụ tinh hoa của đất trời không phải là điều đơn giản, người làm phải trải qua từng khâu, vô cùng tỉ mẩn. Công đoạn chính là việc chọn hoa sen, không quan trọng hoa to hay nhỏ nhưng phải đúng loại hoa sen Bách Diệp. Việc chọn trà để ướp cũng không kém phần quan trọng, trà được chọn là loại trà khô nhưng chưa vào hương. Trà được đem ướp với những cánh hoa sen, gạo sen. Để ướp được 1kg trà sen phải cần tới 1.500 bông hoa sen và để mẻ trà đượm hương sen phải đủ 21 ngày với 7 lần vào hương và 7 lần sấy.
Nghệ thuật đỉnh cao trong ướp trà sen
Chia sẻ về bí quyết để tạo ra những ấm trà sen mang hương vị đặc biệt của người Quảng An, bà Lưu Thị Hiền (vợ của nghệ nhân Ngô Văn Xiêm người ướp trà sen số 1 Hà thành) cho biết: “Nghề ướp trà sen khô rất kỳ công, vất vả, không phải ai cũng làm được. Đòi hỏi người làm phải có tâm, yêu nghề chứ không thể chạy theo lợi nhuận kinh tế. Người làm phải biết độ nóng, nguội của trà, phải kiên trì nâng giấc trong từng mẻ sấy. Chúng tôi làm trà sen hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Trà được sấy theo cách truyền thống bằng than hoa để cho ra hương thơm đặc trưng. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu. Trong đó về nguồn trà của gia đình chỉ lấy từ vùng Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên”.
Chính bởi độ cầu kì, phức tạp trong cách chế biến mà trà sen Tây Hồ được xem là loại trà có giá thành đắt đỏ trên thị trường. Hiện nay trà sen khô có giá từ 8-10 triệu đồng/kg, tuy giá cao nhưng do cách làm thủ công, tốn nhiều thời gian nên số lượng trà làm theo cách truyền thống không nhiều. Ngoài ướp trà sen khô theo cách truyền thống, nhiều gia đình ở Hồ Tây còn làm trà bông sen. Theo đó một nắm nhỏ chè được cho vào bên trong bông hoa sen, sau đó được gói lại rồi dùng lá sen buộc chặt bên ngoài. Bông sen sau khi được ngậm chè sẽ được cắm vào nước qua một đêm cho hương sen thấm quyện vào chè. Cách ướp trà này đơn giản, không tốn công nên giá thành rẻ từ 35 -50 nghìn đồng/bông, tuy nhiên hương vị không ngon bằng cách ướp trà khô truyền thống.
Đặc biệt, bà Ngô Thị Phấn (70 tuổi) em gái ruột của nghệ nhân Ngô Văn Xiêm chia sẻ, để ướp trà thơm ngon gia đình có những bí quyết rất riêng, trong đó việc pha trà ướp sen cho mình cũng như pha trà mời khách, người ta phải để vào đó nhiều công phu. Để có được ấm trà ướp sen ngon cần có nước tốt, trà ngon, ấm và cách pha trà chuẩn. Trước khi pha trà, người pha cần tráng nóng ấm chén bằng nước sôi, sau đó chậm rãi gạt trà vào ấm, ủ trong ấm 3 phút để hơi nóng của ấm đánh thức hương thơm của trà. Người pha dùng nước sôi khoảng 85 - 90 độ C rót vào ấm, ngâm trà từ 30 giây đến một phút, nếu uống đậm có thể ngâm lâu hơn, cuối cùng rót trà từ ấm ra chén. Trà sen pha đúng cách, có được màu nước nâu hồng hoặc trong xanh (tùy theo từng loại trà), tỏa hương sen thơm ngát.
Mặc dù nghề ướp trà sen của phường Quảng An ngày càng có chỗ đứng vững trên thị trường, tuy nhiên khi nhắc đến việc gìn giữ nghề truyền thống, các nghệ nhân trong làng vẫn còn nhiều trăn trở. Bởi lẽ, những năm gần đây, vùng nguyên liệu làm trà sen trở nên khan hiếm, giá hoa bị đẩy lên cao khiến người làm trà gặp nhiều khó khăn, không ít gia đình đã phải chuyển nghề khác. Môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm, số lượng hoa sen quanh hồ ngày càng ít, cùng đó với phương pháp làm thủ công, tạo nhiều áp lực, thế hệ trẻ theo nghề cha ông không nhiều.
Do đó, dù đã trở thành nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Hà thành nhưng nghệ nhân nơi đây lo lắng trà sen Tây Hồ sẽ dần bị mai một. Để giữ nghề, những nghệ nhân làm trà sen Hồ Tây luôn truyền dạy cho các con, cháu tình yêu, niềm đam mê với nghề ngay từ khi còn nhỏ./.
Phi Long - Hương Trà