Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng do UBND huyện Thạch Thất tổ chức nhằm giới thiệu những thành tựu và thúc đẩy phát triển kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn… của Huyện đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, đồng thời quảng bá, giới thiệu các làng nghề truyền thống, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP được chứng nhận của huyện đến với người dân.
Triển lãm là nơi tạocơ hội gặp gỡ giao lưu kinh tế, xúc tiến thương mại, trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất của các nghệ nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh của các làng nghề truyền thống; các hợp tác xã, các nhà vườn, trang trại tiêu biểu của huyện và các tỉnh, thành phố trong cả nước để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm có chất lượng cao ở tất cả các lĩnh vực đến người tiêu dùng; nhằm tạo động lực tích cực để xây dựng thương hiệu, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Thạch Thất cũng là vùng đất cổ mang đậm nét đặc trưng của văn hóa xứ Đoài, với 101 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, trong đó, chùa Tây Phương được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Huyện đã vinh dự được đón Bác Hồ chọn là nơi ở và làm việc trong 19 ngày đêm trên đường Người dời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc (từ ngày 13-1 đến ngày 2-2-1947). Trong đấu tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc, người Thạch Thất anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, lập nên những chiến công hiển hách.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, trên địa bàn huyện Thạch Thất đã có nhiều đổi thay. Trước khi hợp nhất, toàn huyện có diện tích 13.183 ha với 20 đơn vị hành chính; dân số 164.886 người; thu nhập bình quân đầu người đạt 11,6 triệu đồng/người/năm. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, sau hợp nhất, huyện Thạch Thất có thêm 03 xã: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình chuyển từ huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình. Đến nay, huyện có tổng diện tích đất tự nhiên 18.459ha với 23 đơn vị hành chính cấp xã.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Năm 2013 xã Đại Đồng là xã đầu tiên của Thạch Thất được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến năm 2018, huyện có 100% số xã của huyện đạt xã nông thôn mới. Năm 2020, huyện Thạch Thất vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Không dừng ở kết quả đạt được, huyện tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến hết năm 2022, Thạch Thất đã có 1 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 11,6 triệu đồng/người/năm 2008 lên đạt 91 triệu đồng/người/năm 2022 - Thạch Thất là một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao tốp đầu khối huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Huyện Thạch Thất cũng phấn đấu đến hết năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt hơn 35.913 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 12,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 100 triệu đồng; có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhằm kỷ niệm 75 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; đặc biệt là kỷ niệm 15 năm điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện, huyện Thạch Thất đã khai mạc triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh năm 2023. Triển lãm có sự tham gia của hơn 200 gian hàng, hàng nghìn sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp, đồ gia dụng, hơn 2.000 sản phẩm sinh vật cảnh đặc sắc đến từ các quận, huyện, thị xã trong thành phố và cả nước. Sự kiện diễn ra trong 10 ngày, toàn bộ kinh phí tổ chức từ nguồn xã hội hóa.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, ông Nguyễn Mạnh Hồng cho biết: "triển lãm sẽ tạo chuỗi liên kết giữa 4 nhà: Nhà sản xuất - nhà quản lý - nhà khoa học và nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Triển lãm cũng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, cũng tạo những trải nghiệm thú vị đối với người dân đến tham quan, giao lưu, mua sắm tại triển lãm".
Nguyễn Tuyên