Hà Nội: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin vi phạm về an toàn thực phẩm

Những tháng cuối năm 2020, UBND thành phố Hà Nội khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm qua đường dây nóng để kiểm tra xử lý kịp thời các vi phạm.

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo kết quả công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020. Theo đó, trong 6 tháng năm 2020, thành phố đã tổ chức hơn 900 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố thấp hơn cùng kỳ các năm.

Cụ thể, trong số 55.553 lượt cơ sở được thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 3.303 cơ sở vi phạm với số tiền phạt là hơn 12,5 tỷ đồng, đồng thời tiêu hủy nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc...

Các lỗi vi phạm an toàn thực phẩm chủ yếu là hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm có chất cấm; chủ cơ sở sản xuất thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật...

Hà Nội: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin vi phạm về an toàn thực phẩm - Ảnh 1

Đáng chú ý, công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm đã được UBND Tp. Hà Nội chú trọng. 6 tháng đầu năm, UBND thành phố đã kiện toàn 4 đội cơ động điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm tuyến Thành phố, chủ động giám sát an toàn thực phẩm phục vụ các Hội nghị, sự kiện của Trung ương và Thành phố diễn ra.

Tuy nhiên, trong diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nên các lễ hội, sự kiện tập trung đông người đều được hạn chế/hoãn thực hiện, do vậy, hoạt động giám sát an toàn thực phẩm cũng bị chững lại.

Ngoài ra, thành phố cũng thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về an toàn thực phẩm, tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người, mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm. trong đó, việc quản lý an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và quản lý các chợ đầu mối được đẩy mạnh.

Cũng trong nửa đầu năm 2020, thành phố đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, hình thành 141 chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, thu hút nhiều doanh nghiệp và nông dân tham gia được giám sát thường xuyên về điều kiện an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Hà Nội: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin vi phạm về an toàn thực phẩm - Ảnh 2

Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản (đặc biệt là cấp xã, phường), việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa nghiêm minh, chủ yếu là nhắc nhở nên tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm ít được cải thiện, đặc biệt là đối với cơ sở nhỏ lẻ.

Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm nay được thành phố đặt ra, đó là chủ động tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất trên địa bàn. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin vi phạm pháp luật về ATTP qua đường dây nóng để kiểm tra xử lý kịp thời các vi phạm.

Đồng thời, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của lãnh đạo các cấp, chính quyền địa phương, đặc biệt đối với cấp quận huyện, thị xã và xã, phường thị trấn. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, kế hoạch cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm trên toàn thành phố.

Bên cạnh đó, triển khai các chương trình, dự án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm, phát triển các vùng rau an toàn, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý các chợ, siêu thị…   

Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm, thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm ưu tiên nhập và kinh doanh các mặt hàng có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm và có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua công nghệ thông tin như điện thoại thông minh...

“Trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, những tháng cuối năm 2020, Thành phố Hà Nội sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hậu kiểm định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Thành phố chủ động tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất trên địa bàn thành phố, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn. Tăng cường phối hợp với các tỉnh trong quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông lâm thủy sản vào Hà Nội”, đại diện UBND Thành phố Hà Nội thông tin.

Hồng Anh