Hà Nội: Mặt trận Tổ quốc xã Tiên Phong đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng Nông thôn mới

Xã Tiên Phong huyện Ba Vì đã về đích nông thôn thôn mới năm 2020 và đang tiến hành củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, làm cơ sở cho việc xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, là một trong số các địa phương thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước và có tốc độ đô thị hóa, vươn lên mạnh mẽ của huyện Ba Vì. Ông Đỗ Quốc Sử, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc xã Tiên Phong chia sẻ, trong tiến trình xây dựng và phát triển của xã Tiên Phong, có sự đóng góp rất tích cực của Ủy ban MTTQ xã.

Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ xã Tiên Phong.
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ xã Tiên Phong.

Được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Ủy ban MTTQ xã Tiên Phong đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động " Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", đã phối hợp với UBND xã tổ chức tốt hội nghị Đại biểu nhân dân ở các thôn và trên toàn xã, đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực  nhằm thực hiện tốt việc xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương. Năm 2022 đã vận động được 1.940/2.078 hộ đăng ký danh hiệu " Gia đình văn hóa" (đạt tỷ lệ 93,35%), kết quả đã có 1.901 hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", đạt  tỉ lệ 91,5%, toàn xã thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong việc hiếu, hỷ, mừng thọ và lễ hội. Các Ban công tác Mặt trận thôn đã tuyên truyền vận động nhân dân hiến 400m2 đất thổ cư, 670m2 đất nông nghiệp để xây dựng đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình của địa phương, vận động nhân dân ủng hộ trên 1tỷ đồng để  xây, sửa các công trình trong kế hoạch xây dựng Nông thôn mới.

Ông Đỗ Quốc Sử (bên phải) , Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tiên Phong và ông Nguyễn Văn Lương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã.
Ông Đỗ Quốc Sử (bên phải) ,Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tiên Phong và ông Nguyễn Văn Lương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã.

Vận động nhân dân thực hiện tốt cuộc thi :"Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn", kết quả nhân dân đã ủng hộ hơn 500 cây cảnh, hơn 6 vạn cây hoa các loại, trồng và chăm sóc các con đường hoa trong xã với tổng chiều dài 4.500m. Nhân dân đã đóng góp kinh phí lắp 642 đèn chiếu sáng trên các trục đường thôn, xóm.

Ngoài ra nhân dân còn ủng hộ hàng nghìn ngày công phục vụ xây sửa tường bao, vẽ tranh tường,vv...trị giá 480 triệu đồng. Mặt trận Tổ Quốc xã còn phối hợp thực hiện tốt các mô hình tự quản về an ninh trật tự ở các khu dân cư, động viên, duy trì  12 "Dòng họ tự quản",6 hòm thư tố giác tội phạm, cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại xã.

Đại diện Ủy ban MTTQ xã Tiên Phong và các ban ngành trao tặng bò cho hộ nghèo
Đại diện Ủy ban MTTQ xã Tiên Phong và các ban ngành trao tặng bò cho hộ nghèo.

Trong năm 2022 Ủy ban MTTQ xã Tiên Phong còn làm tốt công tác xây dựng, quản lý, sử dụng qũy " Vì người nghèo". Kết quả số tiền ủng hộ quỹ đạt được 27.210.000đ, trong tháng cao điểm " Vì người nghèo " toàn xã thu được 27.678.000đ; MTTQ xã phối hợp với chính quyền và các đoàn thể thường xuyên chăm lo đến đời sống của hộ gia đình chính sách, người có công và các hộ nghèo, trong năm đã tặng tổng số 510 xuất quà trị giá 234.45 .000đ, động viên hộ nghèo cố gắng vươn lên. Đến hết năm 2022 toàn xã chỉ còn 10 hộ nghèo ( chiếm 0,48%), giảm 7 hộ (41,17%) so với năm trước, số hộ cận nghèo giảm từ 96 hộ xuống 35 hộ (1,68%), giảm 63,5% so với năm trước.

Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa thuận lợi cho sinh hoạt của người dân.
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa thuận lợi cho sinh hoạt của người dân.
Nét làng quê xưa còn được lưu giữ lại.
Nét làng quê xưa còn được lưu giữ tại xã Tiên Phong.

Hiện tại diện mạo của địa phương xã Tiên Phong đã có sự đổi thay nhanh chóng từ cơ sở vật chất hạ tầng xã hội, như hệ thống điện, đường giao thông nông thôn đến các công trình trụ sở, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế... cũng như nhà ở của người dân đã và đang được xây dựng đàng hoàng to đẹp. 

Các công trình di tích lịch sử văn hóa được bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, bình quân thu nhập đầu người đạt mức 58 triệu đồng/người/năm. Người dân càng tin tưởng và ủng hộ tích cực phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, với tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng", góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển và đổi mới.

Sơn Hà - Minh Đông/ VP Tây Bắc