Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã ban hành kế hoạch số 68 triển khai đề án đầu tư, xây dựng năm huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận. Lộ trình tháng 7/2023, UBND sẽ trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đưa hai huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận, sau đó trình Chính phủ và Thường vụ Quốc hội vào quý cuối cùng của năm.
Theo quy định, để đưa huyện lên quận phải đạt 31 tiêu chí, từ xã lên phường có 16 tiêu chí. Qua báo cáo của các huyện và rà soát sơ bộ từ sở, ban ngành, hai huyện Đông Anh và Gia Lâm đã đạt tiêu chí tối thiểu. Với một số tiêu chí chưa đạt, thành phố đề nghị hai huyện xây dựng giải pháp, cân đối nguồn lực để thực hiện; tổng hợp các khó khăn, đề xuất về các sở chuyên ngành để tháo gỡ.
Bên cạnh đó, UBND T.P Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị rà soát, đánh giá tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực thành lập quận, phường.
Các công việc bao gồm: Lập báo cáo rà soát, đánh giá phân loại theo tiêu chí đô thị đặc biệt; rà soát, đánh giá quy hoạch của các huyện để triển khai đồng bộ phương án thành lập thành phố trực thuộc thủ đô.
Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, đề án và thực hiện các quy trình, thủ tục báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập quận, phường.
Đông Anh là một huyện ngoại thành, nằm ở phía Bắc thành phố Hà Nội. Là đơn vị nằm trong dự án quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị. Huyện Đông Anh hiện là đầu mối giao thông quan trọng, có nhiệm vụ kết nối thành phố Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.
Trên địa bàn huyện Đông Anh có 1 thị trấn và 23 xã. Với dân số trên 331.000 người, trong đó dân cư độ thị chiếm 11%. Đây là đơn vị hành chính có độ tuổi trẻ hoá hiện nay. Điều này phần lớn nhờ vào các khu công nghiệp mọc lên và các khu nhà ở, chung cư,… được đầu tư mạnh mẽ. Đây chính là lý do khiến thị trường bất động sản Đông Anh ngày càng nóng hơn.
Gia Lâm là khu vực phát triển đô thị ở Đông Bắc của thành phố Hà Nội. Nơi đây tập trung các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của quốc gia và của thành phố. Những năm vừa qua, kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục được duy trì và từng bước phát triển ổn định, đạt kết quả toàn diện ở nhiều lĩnh vực.
Huyện Gia Lâm có nhiều cơ sở công nghiệp quy mô, các trung tâm dịch vụ, thương mại lớn của thành phố. Toàn huyện có hơn 1.110 doanh nghiệp công nghiệp và 2.226 hộ sản xuất công nghiệp. Về làng nghề, huyện Gia Lâm tập trung nhiều làng nghề truyền thống như: Kiêu Kỵ (dát bạc, sơn son thếp vàng, đồ gỗ), Bát Tràng (sản xuất gốm sứ), Đông Dư (trồng và muối dưa cải, trồng ổi), Ninh Hiệp (trồng và kinh doanh thuốc Bắc, buôn bán vải vóc), Phù Đổng (nuôi bò sữa).
Đến nay, 100% xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận nông thôn mới nâng cao với 3 xã. Văn hóa – xã hội ngày càng phát triển, an sinh – xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo.
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 11,03%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và bền vững, tăng tỷ trong công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19, kinh tế huyện vẫn duy trì tăng trưởng. Giá trị các ngành kinh tế trong năm 2021 do huyện quản lý ước tăng 4,61%, trong đó dịch vụ tăng 2,82%, công nghiệp, xây dựng tăng 6,32%, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,63%. Thu ngân sách ước đạt 2.117,5 tỷ đồng.