Tham dự Hội nghị có các đại diện lãnh đạo Sở Y tế; lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm; lãnh đạo Phòng Giám sát Ngộ độc Thực phẩm & Thông tin truyền thông; lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội; lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội; lãnh đạo Trung tâm Y tế 30 quận, huyện, thị xã; lãnh đạo UBND một số xã, phường thuộc TP Hà Nội và đại diện một số cơ sở cung cấp suất ăn tại bếp ăn tập thể, trường học cùng các cơ quan truyền thông, báo đài đến dự và đưa tin.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe người dân mà còn liên quan hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng được nhìn nhận có tầm quan trọng đặc biệt; thực phẩm an toàn đóng góp to lớn đối với việc cải thiện sức khỏe con người, chất lượng cuộc sống cũng như về tương lai phát triển giống nòi của dân tộc.
“Tại Hà Nội công tác quản lý an toàn thực phẩm luôn được chú trọng. Năm 2022, Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện trên địa bàn Hà Nội” với mục tiêu tăng cường, kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể nhằm đẩy mạnh công tác quản lý ATTP, chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, khống chế không để ngộ độc thực phẩm đông người mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm...”, ông Đặng Thanh Phong cho biết thêm.
Tiếp theo Hội nghị bà Lê Thị Hằng - Trưởng Phòng Chuyên môn nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội báo cáo về những nội dung tổng kết sau 2 năm thực hiện mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học tại 5 quận, 5 huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Cụ thể, sau 2 năm triển khai mô hình đa số các trường đã chấp hành đầy đủ quy định đảm bảo về ATTP, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn có đủ hồ sơ năng lực, niêm yết bảng cam kết đảm bảo ATTP/Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và danh sách nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm tại bảng tin nhà trường. Bước đầu đã chủ động kiểm soát nguồn gốc thực phẩm sử dụng trong bếp ăn tập thể, chủ động xây dựng các phương án phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, kết hợp với phương pháp phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại như việc truy suất nguồn gốc thực phẩm chưa được triển khai thường xuyên, điều kiện vật chất của một số bếp nền xuống cấp chưa cải tạo nâng cấp kịp thời, nhân viên tham gia chế biến thực phẩm chưa chấp hành đủ chế độ vệ sinh cá nhân theo quy định.
Hội nghị được diễn ra sôi nổi với phần tham luận của đại diện Lãnh đạo các Phòng, Ban, Lãnh đạo UBND các phường, xã; Lãnh đạo nhà trường và đại diện các cơ sở cung cấp suất ăn cùng phần thảo luận chung của các đại biểu tham dự.
Có thể nói, mô hình “Kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội” sau 2 năm đã được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng phối hợp chặt chẽ, triển khai một cách đồng bộ từ Thành phố đến quận, huyện và phường, xã. Hoạt động xã hội hóa được cải thiện rõ rệt, công tác phối hợp liên ngành được đẩy mạnh, công tác kiểm tra có chuyển biến tích cực; các trường đều chấp hành tốt các quy định về ATTP; chủ động kiểm soát thực phẩm sự dụng trong các bếp ăn tập thể trường học...
Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong hoạt động an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023, đồng thời biểu dương những thành quả đạt được sau 2 năm triển khai mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện”. Bên cạnh đó, còn nhiều ý kiến yêu cầu các sở, ban, ngành, các phòng, ban, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể các cơ sở giáo dục trên địa bàn; đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị trường học tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát nhằm chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm.