Hà Tĩnh: 8 sản phẩm được các huyện đề nghị đánh giá, phân hạng OCOP 4 sao

Chiều 13/9, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh năm 2024.

Cu đơ Phong Nga được đề nghị đánh giá, phân hạng OCOP 4 sao.
Cu đơ Phong Nga được đề nghị đánh giá, phân hạng OCOP 4 sao.

Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã góp ý, cho ý kiến đối với 8 sản phẩm được các huyện đề nghị đánh giá, phân hạng OCOP 4 sao. Bao gồm: Cu đơ Phong Nga, miến gạo Hương Tâm, trà gạo lứt OMEGA An Phát (Thạch Hà); tôm nõn khô Hoa Linh Chi (Nghi Xuân); mật ong Cường Nga (Hương Sơn); nước mắm Phú Sáng (Cẩm Xuyên); nước mắm Kỳ Phú và bánh đa vừng Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh).

Trên cơ sở đánh giá chi tiết, chấm điểm từng nội dung, tiêu chí, các thành viên trong hội đồng thống nhất: Các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng đều là những sản phẩm tiêu biểu, được chủ cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường. Các thành viên cũng góp ý cho chủ cơ sở tiếp tục tập trung các điều kiện như: nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác bao bì, sở hữu trí tuệ...

Căn cứ vào kết quả đánh giá, chấm điểm phân hạng sản phẩm OCOP dựa trên bộ tiêu chí theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, hội đồng đánh giá 8 sản phẩm đều đạt trên 70 điểm, đủ tiêu chuẩn để trình tỉnh công nhận sản phẩm đạt OCOP 4 cấp tỉnh.

 Bánh đa vừng Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh).
Bánh đa vừng Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh).

Giám đốc Sở NN&PTNN Nguyễn Văn Việt - Phó Chủ Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đề nghị các chủ cơ sở sớm hoàn thiện các nội dung mà hội đồng yêu cầu trong quá trình kiểm tra; tổ tư vấn hướng dẫn các chủ cơ sở sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để hội đồng trình tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Các chủ cơ sở cần tiếp tục nâng cao chất lượng, phát triển tốt hơn về thương hiệu, góp phần mở rộng thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận. Đề nghị các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, giám sát, kiểm tra các cơ sở theo quy định; các địa phương tiếp tục đồng hành, kịp thời hỗ trợ các chủ cơ sở không ngừng phát triển, nâng về quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm...

Sau 5 năm thực hiện, chương trình mỗi xã một sản phẩm đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm. Các sản phẩm sau khi đạt chuẩn đều tăng trưởng nhanh, doanh số bán hàng bình quân tăng 40%, có sản phẩm tăng 2-4 lần. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn và dần khẳng định được thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước.

Năm 2023, 2024, hội đồng cấp huyện đã đánh giá, phân hạng và công nhận 161 sản phẩm (gồm 103 sản phẩm mới, 58 sản phẩm đánh giá lại) theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Hoài Thanh – Trí Thức