Ông Thái Cảnh Toàn - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang cho biết: Thông qua hệ thống bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học, ban quản lý phát hiện hai cá thể voi rừng đang sinh sống trên một hòn đảo rộng khoảng 400 ha tại hồ Ngàn Trươi. Các hoạt động của hai cá thể voi này được Ban quản lý Vườn quốc gia Vũ Quang giám sát thường xuyên.
Theo ông Toàn, từ hệ thống bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học đã ghi lại hình ảnh của 2 cá thể voi rừng, gồm một đực và một cái trưởng thành. Do thức ăn trên đảo nhiều nên hai cá thể voi này đang sinh sống tại đây mà không di chuyển vị trí.
Để giám sát đa dạng sinh học và các loài động vật nguy cấp, quý hiếm khác sinh sống trong Vườn quốc gia Vũ Quang nhằm xây dựng các giải pháp bảo tồn, bảo vệ, nghiên cứu đơn vị đã lắp đặt hệ thống 25 điểm bẫy ảnh giám sát. Thông qua bẫy ảnh sẽ giúp đơn vị quản lý xác định rõ hơn.
Được biết, năm 2017 tại vùng đệm Vườn quốc gia Vũ Quang cũng từng phát hiện được 3, 4 cá thể voi sinh sống tại đây, nhưng theo thời gian chúng di chuyển đến các khu vực khác giờ mới quay lại.
Một cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang còn cho biết thêm: 2 cá thể voi này mập hơn thời gian trước họ phát hiện rất nhiều, một trong 2 con còn có ngà mới mọc.
Năm 2020, Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) được công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN, góp phần quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển các hệ sinh thái, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân trên địa bàn.
Vườn Quốc gia Vũ Quang tái thả 43 cá thể động vật hoang dã
Mới đây, ngày 01/3, Vườn Quốc gia Vũ Quang tiến hành tiếp nhận và tái thả 43 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên. Được biết, các cá thể động vật hoang dã trên đều do các đơn vị, người dân bàn giao và giao nộp cho Vườn Quốc gia Vũ Quang từ đầu năm 2023 đến nay. Trải qua thời gian chăm sóc, các cá thể này đã đảm bảo sức khỏe, đủ điều kiện sinh tồn trong môi trường tự nhiên.
Trong đó, có 17 cá thể thuộc nhóm IIB, được quy định trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm gồm: 2 cá thể khỉ đuôi lợn (tên khoa học là Macaca leonina); 4 cá thể khỉ vàng (tên khoa học là Macaca Mulatta); 8 cá thể rùa sa nhân (tên khoa học là Cuora mouhotii); 2 cá thể rùa đất sê - pôn (tên khoa học là Geoemyda tcheponensis); 1 cá thể rùa núi vàng (tên khoa học là Indotestudo elongata).
26 cá thể rùa hộp trán vàng miền Bắc - loài động vật quý hiếm thuộc nhóm IB, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
|
Diễm Phước – Trí Thức